Nhiều nơi người dân sẽ nấu cơm trắng với nhiều loại ngũ cốc như đậu đỏ, đậu nành, đậu đen, đậu xanh để làm ra cơm ngũ sắc, ăn vào ngày Lập hạ đầu tiên.
Lập hạ là một trong 24 tiết khí của lịch âm Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Nó thường bắt đầu vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 5 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 45° (kinh độ Mặt Trời bằng 45°). Đây là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc cổ đại. Ý nghĩa của tiết khí này, đối với vùng Trung Hoa cổ đại, là Bắt đầu mùa hè.
Theo quy ước, tiết lập hạ là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 5 hay 6 tháng 5 dương lịch ( xem chi tiết tại lịch vạn niên) khi kết thúc Tiết Cốc Vũ và kết thúc vào khoảng ngày 21 hay 22 tháng 5 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết tiểu mãn bắt đầu.
“Lập” nghĩa là xác lập, đánh dấu, “hạ” nghĩa là mùa hạ. Hiểu cụ thể thì tiết khí này đánh dấu bắt đầu bước vào mùa hạ. Vào thời điểm ngày đầu tiên của tiết Lập hạ Mặt trời ở tọa độ xích kinh 45 độ. Thời điểm này nửa cầu bắc ngả về phía Mặt trời, Mặt trời chuyển động biểu kiến dần lên vùng cực Bắc nên khu vực nửa cầu bắc nhận được lượng nhiệt độ và ánh sáng cao hơn nửa cầu nam.
Tiết Lập hạ thường sẽ bắt đầu tháng tư âm lịch, đánh dấu một mốc quan trọng trong sự thay đổi, vận động biến hóa của vũ trụ, sinh giới, cuộc sống con người và góc độ năng lượng, lý khí, âm dương ngũ hành.
Thời điểm này, do nửa cầu Bắc ngả về phía Mặt trời và nhận được lượng bức xạ Mặt trời cao nên thời tiết oi bức, nóng nực, ban ngày trời nắng gay gắt như một chiếc chảo lửa. Bắt đầu có hiện tượng ngày dài, đêm ngắn. Gió Đông Nam hay còn gọi là khối không khí đại dương hoặc là gió Tín phong (gió Mậu dịch) mang theo hơi nước và có thể gây mưa. Thời tiết nóng, độ ẩm không khí tương đối cao dẫn đến nhiều thay đổi trong sinh giới.
Các loài thực vật do nhận được lượng nhiệt và ánh sáng cao, cùng với thời gian chiếu sáng kéo dài, cùng với những cơn mưa mùa hạ nên sinh trưởng và phát triển rất mạnh mẽ. Quá trình quang hợp của các loài cây diễn ra mạnh mẽ nhờ điều kiện về khí hậu thuận lợi. Nhiều loại cây trồng đơm hoa, kết trái. Người nông dân bận rộn hơn với việc mùa vụ và chuẩn bị thu hoạch lần thứ nhất trong năm.
Tại Tiết Lập Hạ, khi các loài thực vật phát triển thì các loài động vật cũng tích cực hoạt động hơn nhiều. Nếu tiết Cốc Vũ một số loài chim, ếch nhái vào mùa sinh sản thì thời điểm này trứng của chúng đã nở thành những con non, các hoạt động tìm kiếm thức ăn, bắt các loài sâu bọ diễn ra mạnh mẽ hơn. Mùa hè được báo hiệu bằng những tiếng chim tu hú gọi bầy hay những tiếng chim quốc kêu đêm. Chim quốc còn gọi là chim đỗ quyên, chim đỗ vũ... loài chim này có tập tính hoạt động mạnh về ban đêm, chúng kiếm ăn, phát ra những tiếng kêu để mời gọi bạn tình, chuẩn bị một thời kỳ sinh sản mới trong năm.
Vào thời điểm mùa hạ dưới nước, các loài cá, tôm thủy hải sản hoạt động mạnh hơn, việc tìm kiếm thức ăn diễn ra sôi nổi, chúng tích lũy năng lượng chuẩn bị cho quá trình sinh sản. Trong thời gian này, những hoạt động trong cuộc đấu tranh sinh tồn diễn ra ngày càng nhiều. Nó trở thành cuộc chiến căng thẳng giữa các loài sinh vật với nhau.
Vì tiết Lập Hạ được đặc trưng bởi ngày dài, đêm ngắn, cùng với nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa, độ ẩm và những hoạt động trong sinh giới như vậy có ảnh hưởng tác động lớn đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.
Thời tiết nóng bức, ánh nắng gay gắt, độ ẩm, lượng mưa thay đổi nên nhiều người không kịp thích nghi và có thể nhiễm bệnh. Nhất là đối tượng trẻ nhỏ, ham chơi, hay đi chơi trời nắng…
Vì hoạt động trong sinh giới mạnh mẽ nên chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch, công việc chăm sóc, bảo vệ mùa màng của con người thêm bận rộn. Hơn nữa, nhiệt độ nóng ẩm, mưa nhiều, các loài sâu bọ, côn trùng, vi sinh hoạt động mạnh nên phá hoại hoa màu cây trồng lớn, cần phải có những biện pháp bảo vệ hợp lý.
Đây cũng là lúc cần chú ý vệ sinh, phòng bệnh dịch cho các loài gia súc, gia cầm. Vì thời tiết thay đổi các loài gia súc, gia cầm rất dễ phát bệnh.
Đối với con người trong thời điểm tiết Lập hạ cần hạn chế sử dụng thực phẩm cay nóng, nên ưu tiên các thực phẩm có tính mát, cần uống nước nhiều hơn, không làm việc ngoài trời nắng quá lâu, đề phòng các bệnh do muỗi truyền và bệnh đường tiêu hóa có thể phát sinh, lây lan.
Xem tử vi hàng ngày tại ThienMenh
Thời điểm tiết Lập hạ góc độ năng lượng, lý khí, âm dương ngũ hành có sự thay đổi lớn lao.
Theo quan niệm dân gian, vào các ngày Tứ Lập (Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông), Tứ Ly (Đông Chí, Hạ Chí, Xuân Phân, Thu Phân), Tứ Tuyệt (ngày trước những ngày thuộc Tứ Lập) đều không nên quan hệ nam nữ. Người ta cho rằng nếu vào ngày này mà hành sự “mây mưa” thì là phạm kỵ, giảm thọ 5 năm.
Ngoài ra, cũng có vùng kiêng ngồi trước cửa trong ngày Lập Hạ bởi đây là vị trí đón gió, đón khí vào nhà. Nếu ngồi ở đây ngăn cản khí vào nhà thì dễ ốm đau, bệnh tật trong suốt mùa hạ sắp tới.
Vào những ngày Lập hạ, người xưa thường hay tổ chức lễ Nghênh Hạ, tức đón mùa hạ. Người ta sẽ chuẩn bị lễ vật theo mùa, mùa nào thì thức nấy, dâng cúng đất trời, mong 1 năm mưa thuận gió hòa. Có nơi còn tặng lễ vật là bánh đường cho nhau.
Nhiều nơi người dân sẽ nấu cơm trắng với nhiều loại ngũ cốc như đậu đỏ, đậu nành, đậu đen, đậu xanh để làm ra cơm ngũ sắc, ăn vào ngày Lập hạ đầu tiên.
Sau khi ăn xong cơm Lập Hạ, mọi người sẽ tụ tập lại ở 1 bãi đất trống trong thôn làng, dùng 1 cái cân đòn lớn, ở móc cân treo 1 cái ghế, dùng để “xưng người”. “Xưng người” ở đây chính là việc mọi người sẽ ngồi vào cân, trưởng lão trong làng đọc to số cân nặng rồi chúc thêm những điều may mắn sẽ tới trong năm.
Có nơi khác thì vào ngày Lập Hạ sẽ tổ chức mời nhau uống trà, gọi là “Ẩm Lập Hạ trà” để cổ vũ tinh thần chuẩn bị cho 1 vụ mùa bội thu. Người ta còn tổ chức chơi chuyển trứng, vẽ trứng… trong ngày này nữa.
Có thể nói người xưa rất coi trọng tự nhiên, mong muốn thuận theo tự nhiên bởi với họ “thuận theo tự nhiên cũng là 1 loại phúc”. Người xưa lưu tâm tới các tiết khí, qua đó thể hiện tấm lòng kính Thiên trọng Đạo, cung kính đất trời, sống sao cho hợp lẽ đời, tu dưỡng phẩm đức cho mình.
Xem thêm Lịch vạn sự tại ThienMenh