Nguồn Gốc Bói Quẻ: Ý Nghĩa 64 Quẻ Dịch Trong Bói Quẻ (P2)

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà

Quẻ Địa Thiên Thái là quẻ số 11 trong Kinh dịch. Quẻ này hay còn gọi là quẻ Thái.

2.11. Quẻ Địa Thiên Thái

Quẻ Địa Thiên Thái là quẻ số 11 trong Kinh dịch. Quẻ này hay còn gọi là quẻ Thái.

  • Nội quái là Càn (Trời)
  • Ngoại quái là Khôn (Đất)

Quẻ Thái nghĩa là yêu thích, thông thuận.

Trong quẻ Thái này, Càn không nên hiểu là trời, vì nếu hiểu như vậy thì trời ở dưới đất, không còn trên dưới phân minh nữa, xấu. Nên hiểu Càn là khí dương, Khôn là khí âm “khí dương ở dưới có tính cách thăng mà giao tiếp với âm, khí âm ở trên có tính cách giao tiếp với khí dương”, hai khí giao hòa, mà mọi vật được yên ổn, thỏa thích.

Trên Khôn là âm nhu, kẻ tiểu nhân còn Càn ở dưới là quân tử. Quẻ Thái là tượng đạo tiểu nhân dương tiêu mòn, đạo Quân tử lớn mạnh. Hai bên ngang nhau nên gọi là Thái.

Về quẻ này, cho ta hiểu rằng trong (nội quái) là dương, ngoài (ngoại quái) là âm, trong mạnh mà ngoài thuận, trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn lên, mà đạo tiểu nhân thì tiêu lần.

2.12. Quẻ Thiên Địa Bĩ

Quẻ Thiên Địa Bĩ hay còn gọi là quẻ Bĩ, là quẻ số 12 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Khôn (Đất)
  • Ngoại quái là Càn (Trời)

Quẻ này nghĩa là không thông, bế tắc, xui xẻo, dèm pha, chê bai. Trong vũ trụ không có gì là thông hết được, hết thông thì sẽ đến thời bế tắc vì thế mà sau quẻ Thái là quẻ Bĩ.

Quẻ Bĩ trái với quẻ Thái. Thái thì dương ở dưới thăng lên và giao với âm. Còn với Bĩ, dương ở dưới đi lên, âm ở trên xuống nhưng không giao nhau. Âm dương không giao thì sẽ bị bế tắc, điều này đúng trong đạo người và cả vạn vật.

Theo Đại trượng khuyên rằng: gặp thời bĩ thì người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả.

Quẻ này cho thấy, người bốc phải quẻ này hãy luôn sẵn sàng để nắm bắt cơ hội và thực hiện nó vì thời đã tới.

2.13. Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân

Quẻ này hay còn gọi là quẻ Đồng Nhân, là quẻ số 13 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Ly (Hỏa)
  • Ngoại quái là Càn (Trời)

Theo kiến giải của người Việt, con người đạt đến mức độ giao hội cùng vũ trụ, đồng nhân cao nhất, mức độ hoà đồng siêu việt.

Khi bế tắc không thể cách biệt mãi được mà phải có lúc giao hòa, cho nên sau quẻ Bĩ là quẻ Đồng Nhân. Đồng Nhân là cùng chung với người, đồng tâm hiệp lực.

Quẻ này có Ly ở dưới là lửa, sáng và văn minh. Bên trên có Càn hay là Trời. Quẻ này có tượng bốc lửa lên trời, soi khắp thế gian, vì thế mà dù có hiểm trở gì thì cũng sẽ vượt qua được.

Ở quẻ này, quan trọng nhất là hào 6. Hào này âm nhu đắc vị lại hợp với hào 5 dương cương đắc vị trong ngoại quái Càn, bởi vậy mới có hiện tượng nội ngoại tương đồng. Chính thế mà người ta gọi là Đồng Nhân.

Bàn thêm, người ta muốn thực hiện được cảnh tượng mọi vật cùng sống chung thì phải phân biệt từng loại của các chủng tộc, xét kỹ mỗi sự vật; hễ cùng loại thì đặt chung với nhau và cho mỗi vật được phát triển sở năng, thỏa được sở nguyện, có vậy thì tuy bất đồng mà hòa đồng được.

Khi rút được quẻ này, chúng ta có 2 lời khuyên là:

Muốn hòa động thì không chia đảng phái, tôn trọng các đặc tính của mỗi người, khả năng và nhu cầu của mỗi người.

Công việc hòa đồng mọi người rất chính đáng nhưng cũng rất gian nan.

2.14. Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu

Hay còn được gọi là quẻ Đại Hữu. Đây là quẻ số 14 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Càn (Trời)
  • Ngoại Quái là Ly (Hỏa)

Theo giải thích của người Việt, quẻ này bổ sung thêm tượng sở hữu tài sản vật chất và tinh thần ở mức cao nhất. Khi đã hòa đồng cùng mọi người thì mọi người về với mình, sở hữu của mình cũng lớn hơn trong cộng đồng. Vì thế mà sau quẻ Đồng nhân là quẻ Đại hữu (có nhiều, có lớn).

Ở trên Càn là lửa ở trên trời, chiếu sáng mọi vật như vậy có nghĩa là văn minh. Càn cương kiện bao gồm văn minh và cương kiện nên có thể sẽ rất hanh thông.

Ngoài ra, còn cách hiểu nữa là quẻ này chỉ có 1 hào âm thống lĩnh các hào dương. Nó có thể thống lĩnh được vì nó ngôi tôn mà đắc trung, hợp với hào 2 dương ở giữa quẻ Càn.

Theo Địa tượng truyện khuyên người quân tử khi gặp quẻ này phải ngăn đón những điều dữ khi nó chưa phát hiện. Và biểu dương điều tốt khi nó còn mập mờ để thuận mệnh tốt của trời.

Quẻ này khuyên người ta sống trong cảnh giàu có, nên khiêm, kiệm, giao thiệp với người nên chí thành.

2.15. Quẻ Địa Sơn Khiêm

Quẻ Địa Sơn Khiêm là quẻ thứ 15 trong Kinh dịch. Quẻ này còn được gọi là quẻ Khiêm.

  • Nội quái là Cấn (Núi)
  • Ngoại quái là Khôn (Đất)

Quẻ Đại hữu thì là thời rất thịnh, không nên chung để cho quá đầy, vì thế mà nên nhún nhường, nên Khiêm lại.

Quẻ này có trên là đất, dưới là núi. Núi cao, đất thấp thì núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường. Vì thế mà có thể được hanh thông.

Quẻ này chỉ có một hào dương và được coi là chủ quẻ. Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ, đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Theo đạo trời, cái gì đầy thì làm cho bớt, cái gì khuyết thì đắp thêm vào. Đạo đất và đạo quỷ thần cũng vậy. Còn đối với đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm). Hễ khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình được.

Khi bốc được quẻ này, khuyên người quân tử nên bớt chốn nhiều, bù chốn ít, để cho vạn vật cần xứng, quân bình.

Trong quẻ này, hào nào cũng tốt không nhiều thì ít, không kém quẻ Đại Hữu. Đa số các triết gia đều rất đề cao đức Khiêm, khi đầy phải nghĩ tới lúc sẽ vơi, phải khiêm hạ, đừng tự phụ.

2.16. Quẻ Lôi Địa Dự

Quẻ Lôi Địa Dự hay còn gọi là quẻ Dự. Đây là quẻ số 16 trong Kinh Dịch.

  • Nội quái là Khôn (Đất)
  • Ngoại quái là Chấn (Sấm)

Quẻ này nói về sự vui vẻ. Có Chấn ở trên, Khôn ở dưới nên có nghĩa là ở trên thì động, ở dưới thuận theo như vậy tất vui vẻ.

Sấm ở trên đất, nghĩa là khí dương phát động (Chấn thuộc dương) mà muôn vật ở trên phát sinh, cũng là cảnh tượng vui vẻ.

Quẻ này chỉ có một hào dương (hào 4), 5 hào âm đều theo nó, nó làm chủ trong quẻ, như một người tài đức, làm việc gì cũng thuận cả, tất thành công, sẽ vui vẻ, an ổn.

Bàn thêm, cái đạo thuận lẽ mà hành động đó là đạo trời, cho nên mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng ban ngày ban đêm, không bao giờ lầm; bốn mùa thay nhau chẳng bao giờ sai. Thánh nhân thuận lẽ mà hành động thì hình phạt không phiền phức mà dân chúng phục tòng.

2.17. Quẻ Trạch Lôi Tùy

Quẻ Trạch Lôi Tùy hay còn gọi là quẻ Tùy. Đây là quẻ số 17 trong Kinh Dịch.

  • Nội quái là Chấn (Sấm)
  • Ngoại quái là Đoài (Đầm)

Tùy nghĩa mà theo, rất hanh thông nhưng phải theo điều chính đáng.

Quẻ có Đoài ở trên là vui vẻ, Chấn ở dưới là động. Đó là cái tượng hành động mà được người vui theo. Hoặc có thể hiểu rằng Chấn là Sấm, Đoài là chằm, sấm động ở trong chằm, nước chằm theo tiếng sấm mà cũng động, cho nên gọi là Tùy.

Quẻ Tùy so với quẻ Càn thì còn kém, tuy nhiên cần bàn thêm: theo mà phải đúng thời mới được. Ví dụ như thời Hán, Vương Mãng cũng đã muốn làm một cuộc cách mạng xã hội; rất công bằng, tốt; nhưng thời đó sớm qua, nên thất bại. Tới đời Tống, Vương An Thạch cũng thất bại, như vậy là không hợp thời. Và Thoán truyện nhấn mạnh vào cái nghĩa tùy thời đó.

Quẻ này khuyên chúng ta nên theo chính nghĩa không vì tư tình, vì lợi và biết tùy thời. Có như vậy thì tốt tới cũng được.

2.18. Quẻ Sơn Phong Cổ

Quẻ này hay còn gọi là quẻ Cổ, là quẻ thứ 18 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Tốn (Gió)
  • Ngoại quái là Cấn (Núi)

Quẻ này có sự không yên trong lòng, làm ngờ vực, làm cho sợ sệt. Cổ có hai nghĩa là đổ nát và công việc. Hễ đổ nát thì phải sửa lại, thế là có công việc.

Quẻ này trên là núi, dưới là gió, gió đụng núi quật lại, đó là tượng loạn, không yên, tất phải có công việc.

Tốn ở dưới là thuận, mà Cấn ở trên là ngưng chỉ; người dưới thì thuận mà người trên cứ ngồi im; hoặc người dưới một mực nhu, người trên một mực cương để nén người dưới, như vậy mọi sự sẽ đổ nát, phải làm lại.

Đổ nát mà làm lại thì tốt, rất nên nhưng cần phải xông pha, có kế hoạch trước sau. Cổ là đổ nát, rất xấu mà thoán từ khen là tốt, chỉ vì đổ nát thì phải làm lại, canh tân, mà canh tân là điều rất tốt. Không có gì suy cực mà không thịnh lên, tới lúc cùng mà không bắt đầu trở lại.

2.19. Quẻ Địa Trạch Lâm

Quẻ Địa Trạch Lâm là quẻ số 19 trong Kinh dịch, hay còn gọi là quẻ Lâm.

  • Nội quái là Đoài (Đầm)
  • Ngoại quái là Khôn (Đất)

Quẻ có nghĩa là quân tử dạy dân, che chở, bao bọc cho dân vô bờ bến. Trên là Đoài có đất, đất tới sát nước nên gọi là Lâm (tới gần). Hào 2 cương trung ứng với hào 5 nhu trung, nhân sự có phần vui vẻ, cũng hanh thông nữa.

Tuy nhiên, khuyên rằng trong cảnh hanh thông đừng nên phóng túng mà nên giữ vững chính đạo. Nếu không thì đến tháng 8 (hoặc 8 tháng nữa) sẽ hung.

Đất tới sát chằm thì có cái tượng quân tử tới dân, giáo hóa dân không bao giờ thôi, bao dung, giữ gìn cho dân.

2.20. Quẻ Phong Địa Quan

Quẻ Phong Địa Quan là quẻ thứ 20 trong Kinh dịch, hay còn gọi là quẻ Quan.

  • Nội quái là Khôn (Đất)
  • Ngoại quái là Tốn (Gió)

Quẻ Lâm là lớn, vật gì đến lúc lớn thì mới đáng biểu thị cho người ta thấy, cho nên sau quẻ Lâm là quẻ Quan - xem xét.

Theo tượng quẻ, Tốn ở trên, Khôn ở dưới là gió thổi trên đất, tượng trưng cho sự cổ động khắp mọi loài, hoặc xem xét (quan) khắp mọi loài. Thêm nữa, hai hào dương ở trên, bốn hào âm ở dưới, là dương biểu thị (quán) cho âm; âm trông (quan) vào dương mà theo.

Hào 5 ở trong quẻ ở ngôi chí tôn, có đức dương cương, trung chính, chính là người cho thiên hạ trông vào mà cảm hóa theo. Người đó nên coi đạo trời lẳng lặng vậy mà bốn mùa vận hành không sai, mà lấy lòng chí thành làm gương cho dân, dạy dân, dân sẽ không ai không phục.

Quẻ Quan này khuyên người trên nêu gương cho dưới và người dưới noi gương người trên; nhưng trẻ con và tiểu nhân thì nhiều khi chưa biết noi gương.

2.21. Quẻ Hỏa Lôi Phệ Hạp

Quẻ này hay còn gọi là quẻ Phệ Hạp, là quẻ số 21 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Chấn (Sấm)
  • Ngoại quái là Ly (Hỏa)

Người ta lý giải rằng, tình và lý có chỗ khả quan rồi sau mới hợp được nhau, nhưng muốn cho hợp nhau thì trước hết phải trừ sự ngăn cách. Vì thế, sau quẻ Quan tới quẻ Phệ Hạp. Phệ là căn, là trừ (sự ngăn cách), hạp là hợp.

Căn để hợp lại, như vậy là hanh thông, dùng vào việc hình ngục thì có lợi. Quẻ Phệ Hạp này nói về việc hình ngục.

Hào sơ và hào trên cùng là hai vạch liền, tượng như hàm trên và hàm dưới, ở giữa có 3 vạch đứt, là miệng há ra, xen vào một vạch liền như một cái quẻ cản ngang miệng, làm dãn cách hai hàm răng. Phải cắn gãy, trừ nó đi rồi hai hàm mới hợp lại được với nhau.

Trong xã hội, kẻ gián cách đó là bọn gian tà, sàm nịnh bưng bít kẻ trên người dưới mà trên không thông tới dưới, dưới không đạt tới trên. Cho nên phải dùng hình ngục để trừ chúng. Hình ngục muốn có kết quả thì phải vừa uy, vừa sáng suốt. Nội quái Chấn là uy; ngoại quái Ly là sáng suốt.

Hào 5 là hào làm chủ trong quẻ, ở ngôi cao, âm nhu mà đắc trung, là có ý khuyên dùng hình ngục tuy phải uy, phải cương, nhưng vẫn nên có nhu một chút. Nếu chỉ có cương thì hóa ra tàn khốc, hiếu sát.

Về quẻ này, đại ý khuyên rằng:

  • Người xử hình phải sáng suốt trước hết, cương quyết mà cũng cần có đức nhu (để bớt cương đi), có chút từ tâm và luôn luôn phải giữ đạo chính, thận trọng.
  • Hào 4 tốt vừa cương vừa nhu, có tài có địa vị. Nên răn đe dân từ khi dân mới mắc phải tội nhỏ, nếu không dân sẽ quen làm bậy.

2.22. Quẻ Sơn Hỏa Bí

Quẻ Sơn Hỏa Bí hay còn gọi là quẻ Bí, là quẻ thứ 22 trong Kinh Dịch.

  • Nội quái là Ly (Hỏa)
  • Ngoại quái là Cấn (Núi)

Quẻ nói về trang sức, sửa sang, rõ ràng, quang minh. Đám đông hợp lại với nhau thì phải có trật tự, uy nghi, văn vẻ, cho nên tiếp theo Phệ Hạp là quẻ Bí (văn vẻ, sáng sủa, trang sức).

Trang sức văn vẻ thì hanh thông, làm việc gì mà chỉ nhờ ở trang sức thì lợi bé nhỏ thôi.

Trên núi, dưới lửa, lửa chiếu sáng mọi vật ở trên núi, như vậy làm cho núi đẹp lên, như trang trí những món trang sức cho núi.

Trong nội quái (vốn là quẻ đơn Càn) hào 2, âm, vốn ở quẻ đơn Khôn, thay vào hào 2 dương của quẻ đơn Càn, thành quẻ đơn Ly, như vậy là tô điểm cho quẻ đơn Càn. Trong ngoại quái (vốn là quẻ đơn Khôn) hào trên cùng vốn ở quẻ đơn Càn, lại thay hào trên cùng của quẻ đơn khôn, thành quẻ đơn Cấn.

Nói cách khác, vắn tắt mà không sai mấy thì nội quái có một hào âm như trang sức cho hai hào dương, còn ngoại quái có một hào dương trang sức cho hai hào âm, vì vậy mà gọi là quẻ Bí: trang sức.

Từ đó rút ra, điều gì cũng vậy, có chất, tinh thần, mà lại thêm văn, hình thức thì tốt còn nếu như chỉ nhờ trang sức mà thành công thì lợi ít.

Đại ý quẻ Bí này là có văn vẻ, có trang sức mới là tốt nhưng nên trọng văn hơn, lấy chất làm thể, lấy văn làm dụng mà không nên quá màu mè.

Lời khuyên khi rút phải quẻ này là việc chính trị nhỏ thì dùng trang sức được; còn việc quan trọng như phán đoán hình ngục thì đừng nên quả quyết, tô điểm thêm.

2.23. Quẻ Sơn Địa Bác

Quẻ này còn được gọi là quẻ Bác, là quẻ thứ 23 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Khôn (Đất)
  • Ngoại quái là Cấn (Núi)

Quẻ Bí có Bí là trang sức, khi trau dồi tới cực điểm thì món hết. Chính bởi vậy mà sau quẻ Bí thì sẽ tới quẻ Bác - mòn, bóc, lột bỏ cho tiêu mòn dần đi.

Bác - tiêu mòn, hễ tiến tới hành động thì không lợi. Theo tượng quẻ, năm hào âm chiếm chỗ của hào dương, âm tới lúc cực thịnh thì dương chỉ có một hào, sắp đến lúc tiêu tan. Do đó gọi quẻ này là quẻ Bác. Lão tử khuyên rằng “đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp, đại xảo nhược chuyết (vụng)” nghĩa là phải tạm giấu cái khôn, cái khéo, cái dũng của mình để được yên thân đợi chờ cơ hội.

Theo Thoán truyện, nên thuận đạo trời mà ngưng mọi hoạt động vì nội quái là Khôn, có nghĩa là thuận, ngoại quái là Chấn có nghĩa là ngưng.

Theo Đại tượng truyện thì chỉ xét quẻ mà đưa ra một nghĩa khác: ngoại quái là núi, nội quái là đất; núi ở trên đất, đất là nền móng của núi; đất có dày thì núi mới vững; vậy người trên (nhà cầm quyền) phải lo cho dân an cư lạc nghiệp thì địa vị của người trên mới vững.

Quẻ này nói về thời âm thịnh dương suy, tiểu nhân tàn hại quân tử, tiểu nhân tuy rất đông, nhưng vẫn có một số (hào 3 và 5) hiểu đạo cải quá, đứng về phe quân tử, và khi xã hội lâm nguy thì ủng hộ quân tử. Người quân tử mới đầu chỉ nên im hơi lặng tiếng mà chờ thời, chuẩn bị cho lúc thịnh trở lại.

2.24. Quẻ Địa Lôi Phục

Quẻ này gọi là quẻ Phục là quẻ thứ 24 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Chấn (Sấm)
  • Ngoại quái là Khôn (Đất)

Quẻ Phục - đạo tiểu nhân thịnh cực thì phải tiêu, đạo quân tử suy cực thì lại thịnh lần. Phục là trở lại, hanh thông. Ra vào không gặp tai nạn, bạn bè sẽ lần lượt tới, không lầm lỗi.

Khí dương bây giờ trở lại, cho nên hanh thông. Người quân tử (dương) ra vào tự do, không bị tai nạn, rồi sẽ có hào dương khác kéo tới. Sáu quẻ dương cứ tăng lần, đó là vận phản phục của trời đất, cứ bảy ngày thì trở lại.

Giảng thêm, sở dĩ ra vào không bị tai nạn, bạn bè kéo tới, không còn lầm lỗi, vì tượng của quẻ: nội quái Chấn là động, ngoại quái Khôn là thuận; hoạt động mà thuận theo đạo trời thì tốt. Cái đạo của trời đó là tĩnh lâu rồi thì động, ác nhiều rồi thì thiện, có vậy vạn vật mới sinh sôi nảy nở. Xem quẻ Phục này thấy một hào dương bắt đầu trở lại, tức là thấy cái lòng yêu, nuôi dưỡng vạn vật của trời đất (kiến thiên địa chí tâm).

Quẻ này xét về sự sửa lỗi để trở về đường chính. Tốt nhất là hạng người tự nhận thấy lỗi rồi sửa liền, không mắc phải lần nữa, rồi tới hạng ở gần người tốt, mà bắt chước vui vẻ làm điều nhân, nghĩa; sau tới hạng có đức dày trở lại điều thiện, hạng ở giữa kẻ xấu mà một mình theo đạo; hạng không bền chí, giữ điều thiện được lâu, nhưng biết phục thiện thì cũng không lỗi.

2.25. Quẻ Thiên Lôi Vô Vọng

Quẻ Thiên Lôi Vô Vọng là quẻ thứ 25 trong Kinh dịch. Quẻ này còn được gọi là quẻ Vô Vọng.

  • Nội quái là Chấn (Sấm)
  • Ngoại quái là Càn (Trời)

Đã trở lại thiên lý, chính đạo rồi thì không làm càn nữa cho nên sau quẻ Phục và quẻ Vô Vọng - càn, bậy.

Không càn bậy thì rất hanh thông, hợp với chính đạo thì có lợi. Cái gì không hợp với chính đạo thì có hại, có lỗi hành động thì không có lợi.

Tượng quẻ này: nội quái là Chấn (hành động), ngoại quái là Càn (Trời), hành động mà hợp với lẽ trời thì không càn bậy thì hanh thông có lợi.

Nói thêm, nội quái nguyên là quẻ Khôn mà hào 1 âm biến thành dương, thành quẻ Chấn. Thế là dương ở ngoài tới làm nội quái, mà cũng làm chủ cả quẻ vô vọng, vì ý chính trong Vô vọng là: động, hành động. Động mà cương kiên như ngoại quái Càn, tức là không càn bậy.

Quẻ này cũng nhấn mạnh vào lẽ tùy thời. Cả 6 hào đều là “vô vọng” cả, không càn bậy mà tùy thời, có lúc hoạt động thì tốt như hào 1, 2; có lúc lại nên thản nhiên, chẳng làm gì cả, như hào 5, có lúc không nên hành động như hào 4 (nếu hoạt động thì bị họa) và như hào trên cùng.

2.26. Quẻ Sơn Thiên Đại Súc

Quẻ Sơn Thiên Đại Súc còn được gọi là quẻ Đại Súc, là quẻ thứ 26 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Càn (Trời)
  • Ngoại quái là Cấn (Núi)

Mình không có càn bậy (Vô vọng) rồi bản thân mới có thể chứa được nhiều tài, đức, hoài bão, nên sau quẻ vô vọng, tới quẻ Đại súc. Chữ súc trong quẻ này cũng là chữ súc trong quẻ Phong thiên tiểu súc, có ba nghĩa: nhóm chứa, nuôi nấng, ngăn lại.

Trên là núi, dưới là trời, núi mà chứa được trời thì sức chứa của nó thật lớn, cho nên gọi là Đại súc. Nói về bậc quân tử thì phải “chứa” tài đức, nghĩa là tu luyện cho tài đức uẩn súc; trước hết phải cương kiện như quẻ Càn, phải rất thành thực, rực rỡ (có văn vẻ) như quẻ Cấn, mà những đức đó phải mỗi ngày một mới, nhật tân kì đức (Thoán truyện); phải biết cho đến nơi đến chốn, làm cho đến nơi đến chốn, đủ cả tri lẫn hành (đại tượng truyện).

Người nào “uẩn súc” được như vậy thì được quốc gia nuôi, và khi xã hội gặp gian truân thì cứu được (vượt qua sông lớn), vì ứng với trời (như hào 5 ở vị cao ứng với hào 2 trong quẻ Càn là trời).

Quẻ này Thoán từ nói về sự súc tích tài đức, mà Hào từ lại xét cách ngăn cản kẻ hung hãn. Hai hào có ý nghĩa nhất là 4 và 5: muốn ngăn thì phải ngăn từ khi mới manh nha; và muốn diệt ác thì phải diệt từ gốc, tìm nguyên nhân chính mà trừ thì mới không tốn công, kết quả chắc chắn.

2.27. Quẻ Sơn Lôi Di

Quẻ Sơn Lôi Di hay còn gọi là quẻ Di, là quẻ số 27 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Chấn (Sấm)
  • Ngoại quái là Cấn (Núi)

Di có hai nghĩa: nuôi nấng và cái cằm. Nhìn hình quẻ, chúng ta thấy như cái miệng mở rộng, hai nét liền ở trên và dưới như hai cái hàm, toàn bộ gợi cho ta ý cái cằm (thay cái mép) lại gợi cho ta sự ăn uống để nuôi sống.

Nuôi tinh thần hay thể chất, cũng phải hợp chính đạo thì mới tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình thì biết tốt hay xấu. Từ đó có thể suy rộng ra, trời đất khéo nuôi vạn vật mà vạn vật sinh sôi nảy nở về mọi mặt; thánh nhân dùng những người hiền giúp mình trong việc nuôi dân chúng; cái đạo nuôi nấng lớn như vậy đó.

Đại tượng truyện thêm ý rằng, theo cái tượng của quẻ, thì dưới núi có tiếng sấm, dương khí bắt đầu phát mà vạn vật trong núi được phát triển như vậy là trời đất nuôi vật. Người quân tử tự nuôi mình thì phải cẩn thận về lời nói để nuôi cái đức, và tiết độ về ăn uống để nuôi thân thể.

Về quẻ này, ba hào cuối đều có nghĩa là nuôi về tinh thần, giúp đỡ dân chúng nên đều được “cát” hết. Ba hào đầu có nghĩa là nhờ người nuôi thể xác của mình, cho nên đều xấu.

2.28. Quẻ Trạch Phong Đại Quá

Quẻ này còn được gọi là quẻ Đại Quá, là quẻ thứ 28 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Tốn (Gió)
  • Ngoại quái là Đoài (Đầm)

Có thể hiểu rằng, có bồi dưỡng tài đức thì sau mới làm được việc lớn (rất lớn), phi thường. Chữ “đại quá” có hai cách hiểu: Phần dương trong quẻ tới 4 (phần âm chỉ có hai) mà dương có nghĩa là lớn (âm là nhỏ); vậy đại quá có nghĩa là phần dương nhiều quá; nghĩa nữa là (đạo đức công nghiệp) lớn quá.

Nhìn hình của quẻ, bốn hào dương ở giữa, 2 hào âm hai đầu, như cây cột, khúc giữa lớn quá, ngọn và chân nhỏ quá, chống không nổi, phải cong đi. Tuy vậy, hai hào dương 2 và 5 đều đắc trung, thế là cương mà vẫn trung; lại thêm quẻ Tốn ở dưới có nghĩa là thuận, quẻ Đoài ở trên có nghĩa là hòa, vui, thế là hòa thuận, vui vẻ làm việc, cho nên bảo là tiến đi (hành động) thì được hanh thông.

Người quân tử trong quẻ này phải có đức độ, hành vi hơn người, cứ việc gì hợp đạo thì làm, dù một mình đứng riêng, trái với thiên hạ, cũng không sợ (độc lập bất cụ); nếu là việc không hợp đạo thì không thèm làm, dù phải trốn đời, cũng không buồn (độn thế vô muộn).

Tên quẻ là Đại quá (lớn quá), mà Hào từ lại ghét những người quá cương, (hào 3, 5) quá nhu như hào trên cùng tuy không có lỗi, nhưng cũng cho là xấu. Vây Kinh Dịch có ý trọng đức trung (vừa cương vừa nhu) hơn cả.

2.29. Quẻ Thuần Khảm

Quẻ Thuần Khảm hay quẻ Khảm là quẻ thứ 29 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Khảm (Nước)
  • Ngoại quái là Khảm (Nước)

Tập Khảm có nghĩa là trùng khảm, hai lần Khảm. Nhìn hình quẻ Khảm ta thấy một hào dương bị hãm vào giữa hai hào âm, cho nên Khảm có nghĩa là hãm, là hiểm.

Ta lại thấy ở giữa đặc (nét liền), ngoài rỗng (nét đứt), trái với quẻ Ly, như cái miệng lò; chỗ rỗng đó là chỗ không khí vô để đốt cháy than, củi, cho nên Ly là lửa. Khảm trái với Ly, chỗ nào trống thì nước chảy vào; Ly là lửa thì Khảm là nước. Nguy hiểm không gì bằng nước sâu, không cẩn thận thì sụp xuống, chết đuối, nên bảo nước là hiểm.

Xét theo ý nghĩa thì hào dương ở giữa, dương là thực, thành tín, vì vậy bảo là Khảm có đức tin, chí thành (hữu phu) ở trong lòng, nhờ vậy mà hanh thông. Gặp thời hiểm, có lòng chí thành thì không bị tai nạn, hành động thì được trọng mà còn có công nữa. Các công dụng của hiểm nếu hợp thời thì cực lớn.

Đại tượng truyện khuyên rằng nên theo cái đức chảy hoài không ngừng của nước mà giữ bền đức hạnh mà tu tĩnh không ngày nào quên.

Quẻ này là cái tượng quân tử bị tiểu nhân bao vây, chỉ có hai hào là tạm tốt (hào 2 và 5), còn các hào khác đều xấu. Lời khuyên quan trọng nhất gặp thời hiểm, phải giữ lòng chí thành, và biết tòng quyền.

2.30. Quẻ Thuần Ly

Quẻ Thuần Ly còn được gọi là quẻ Ly, là quẻ thứ 30 trong Kinh dịch.

  • Nội quái là Ly (Hỏa)
  • Ngoại quái là Ly (Hỏa)

Khảm là hãm, hãm thì phải có chỗ nương tựa, cho nên sau quẻ Khảm tới quẻ Ly. Ly là lệ, mà cũng có nghĩa là sáng, nét ở giữa dứt, tức là ở giữa rỗng, rỗng thì sáng. Lửa sáng, mặt trời sáng, cho nên Ly có có tượng là lửa, là mặt trời. Sau cùng Ly còn có nghĩa là rời ra, như chia Ly.

Dựa vào chỗ chính đáng, chẳng hạn vào người quân tử thì hanh thông. Dựa vào người thì phải sáng suốt, và thuận theo người, vậy phải nuôi đức thuận, đức của con bò cái (loài này dễ bảo nhất) thì mới tốt.

Ly còn nghĩa là sáng. Quẻ thuần Ly, trên dưới đều là Ly, sáng quá, sáng suốt quá, tỏ mình hơn người thì ít người ưa, cho nên phải giấu bớt cái sáng đi mà trau dồi đức thuận.

Thoán truyện bảo phải có đức trung chính nữa như hào 2 và hào 5 (hào này chỉ trung thôi, nhưng đã đắc trung thì cũng ít nhiều đắc chính) như vậy mới cải hóa được thiên hạ, thành văn minh.

BÓI BÀI HÔM NAY

HÃY BỐC 2 LÁ BÀI

* Đàn ông lật bằng tay trái, phụ nữ lật bằng tay phải theo nguyên tắc “Nam tả Nữ hữu”

Click "XEM NGAY" để xem quẻ bói bài hôm nay của bạn !

BÓI BÀI TAROT

Bói Bài Tarot Hàng Ngày

Hãy bắt đầu ngày mới với "Bói Bài Tarot Hàng Ngày" để có được tinh thần sảng khoái

Bói Bài Tarot Tình Yêu

Biết những gì đang xảy ra trong mối quan hệ tình cảm của bạn với "Bói Bài Tarot Tình Yêu" hôm nay

Bói Bài Tarot Công Việc

Trước khi từ bỏ công việc cũ hoặc theo đuổi 1 cơ hội mới hãy để "Bói Bài Tarot Công Việc" giúp bạn

Bói Bài Tarot Tài Chính

Bạn đã quản lý vấn đề thu chi cá nhân của mình tốt chưa? Cùng xem "Bói Bài Tarot Tài Chính" cho bạn câu trả lời chính xác

Bói Bài Tarot Sức Khỏe

Có thể bạn không biết được những gì đang đến với sức khỏe của mình, "Bói bài Tarot Sức Khỏe" sẽ bóc trần những vấn đề mà bạn không bao giờ nghĩ đến

Bói Bài Tarot Cảm Xúc

Tinh thần bạn hôm nay thế nào? "Bói Bài Tarot Cảm Xúc" để xem hôm nay sẽ là một ngày tươi mới hay ủ rũ

Tin về Cách Xem Bói Bài Tại Nhà

Ý Nghĩa Tổng Quan 78 Lá Bài Tarot

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Ý nghĩa 22 lá bài tarot của bộ ẩn được coi là phần trọng tâm của bài Tarot.

Nguồn Gốc Bói Quẻ: Ý Nghĩa 64 Quẻ Dịch Trong Bói Quẻ (P3)

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Kinh Dịch bắt đầu bằng hai quẻ Càn, Khôn, gốc của vạn vật; tận cùng bằng hai quẻ Ký tế và Vị tế đã xong rồi lại chưa xong.

Nguồn Gốc Bói Quẻ: Ý Nghĩa 64 Quẻ Dịch Trong Bói Quẻ (P1)

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
64 thẻ quẻ ứng chiếu sự cát hung, may rủi của vạn vật trong thế giới, giúp con người vượt qua những khổ ải, khó khăn

Tarot Kiều: Một Phần Thú Vị Trong Văn Hóa Tarot Thế Giới

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Tarot Kiều bắt một nhịp cầu nối giữa Đông và Tây để người đọc bài cùng nhìn tarot và Truyện Kiều qua lăng kính khác.

Dự Báo Tarot Cho Tháng 5 Năm 2022: The Devil

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Lá bài The Devil tượng trưng cho bản năng của con người, tham vọng, ham muốn, tình dục và tiền bạc.

Ý Nghĩa của 32 Con Bài trong Bói Bài Tây

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Ý nghĩa các lá bài không nằm ngoài ý nghĩa của các nước bài và phụ thuộc về giá trị lởn nhỏ của các lá bài mà phản ánh mức độ khác nhau

Khám Phá Ý Nghĩa Lá Bài Tarot: The World

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Lá bài The World - Thế giới là Số 21, là lá bài cuối cùng trong Bộ bài Chính của bộ bài Tarot.

Khám Phá Ý Nghĩa Lá Bài Tarot: The Judgment

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Khi Lá bài Phán xét xuất hiện trong bài đọc Tarot, nó chỉ ra một kiểu thức tỉnh nào đó

Khám Phá Ý Nghĩa Lá Bài Tarot: The Sun

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
Lá bài The Sun - Mặt trời là lá bài Số “19” trong Bộ chính Arcana của bộ bài tarot.

Khám Phá Ý Nghĩa Lá Bài Tarot: The Moon

Cách Xem Bói Bài Tại Nhà - 2 năm trước
The Moon là một lá của bộ bài tarot giúp tạo ra Major Arcana.