Bàn Thờ Thổ Công Và Các Vị Thần Tại Gia

Phong tục tập quán

Bàn thờ Thổ công thường đặt ngay ở gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Tại những gia đình không có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Thổ Công được đặt ở gian chính giữa nhà.

Song song với việc thờ phụng tổ tiên, các gia đình Việt Nam thường có tập tục thờ phụng Thổ Công và một số vị thần trông coi gia cư, định đoạt hoạ phúc cho các gia đình. Chẳng thế mà mỗi khi ông cha ta làm việc gì cũng luôn tâm niệm “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” để xin phép động thổ, khởi công hay làm một công việc trọng đại nào

1. Bàn thờ Thổ Công và những điều cần biết

Ta có câu Đất có Thổ công, sông có Hà Bá, nghĩa là tại các gia cư Thổ Công cai quản, còn tại sông có thần Hà Bá.

Thổ Công là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Ngài tức là vị Đệ nhất gia chi chủ, trên cả mọi vị thần khác.

Ngoài Thổ Công, các vị thần khác được thủ tại gia phải kể: Thần Tài, Tiên Sư, Tiên Chủ, Đức Thánh Quan, Thần Hổ, Thổ Địa v.v...

1.1. Bàn thờ Thổ Công

Đã thờ phụng, phải có bàn thờ. Nhà nào đã tin theo Thần đạo đều có bàn thờ Thổ Công. Nhiều người thuộc ngành thứ, không có bổn phận cúng giỗ, trong nhà không có bàn thờ tổ tiên, cũng thiết lập một bàn thờ Thổ Công.

Bàn thờ Thổ công thường đặt ngay ở gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Tại những gia đình không có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Thổ Công được đặt ở gian chính giữa nhà.

Bàn thờ Thổ Công giản dị hơn bàn thờ tổ tiên, và gồm một chiếc hương án kê liền với hậu tường gian nhà.

Trên hương án có chiếc mâm nhỏ, giống chiếc bàn đặt trên hương án bàn thờ tổ tiên, và ở trên cũng có ba đài rượu với nắp đậy như trên bàn thờ gia tiên vậy.

Đằng sau chiếc bàn nhỏ này, kê cao hơn lên là bài vị Thổ Công, hoặc có khi được thay bằng một cỗ mũ gồm ba chiếc, mũ đàn bà đặt ở giữa và hai bên hai chiếc mũ đàn ông. Cũng có nhà chỉ thờ một chiếc mũ.

Đằng trước bàn nhỏ là bình hương hoặc đỉnh trầm. Hai bên bình hương hoặc đỉnh trầm là đôi nến, đôi ống hương.

Ở những gia đình túng thiếu, bàn thờ Thổ Công lại càng giản dị hơn. Có khi chỉ là một chiếc bàn, trên bàn có một bình hương và một cỗ mũ đặt ngay sau bình hương.

Dù bàn thờ có giản dị thế nào cũng vẫn là một bàn thờ đủ biểu lộ sự thành kính của gia chủ đối với vị thần săn sóc gia cư của mình.

1.2. Bài vị Thổ Công

Chính ra tại bàn thờ Thổ Công không phải người ta chỉ thờ một vị thần, mà ở đây là ba vị thần với ba danh hiệu khác nhau.

Tại bài vị người ta để cả ba danh hiệu của ba vị thần này trông coi về ba việc riêng biệt:

Thổ Công trông nom việc trong bếp

Thổ Địa trông nom việc trong nhà

Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa cho đàn bà hoặc việc sinh sản mấy vật ở vườn đất.

Bài vị của ba vị thần lập chung và đề như sau:

Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân

Bản gia Thổ địa Long mạch tôn thần,

Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần.

Chữ bản gia đặt lên trên vì mỗi nhà đều được thay thế hàng năm vào ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày tốt, tức là vào ngày lễ Táo quân. Nhân dịp này người ta sửa lễ cúng ông Công rồi người ta đốt bài vị cũ để thay bài vị mới. 

Cũng có nhà thay vì bài vị trên, bài vị Thổ công được viết thu gọn như sau:

ĐỊNH PHÚC TÁO QUÂN

Tức là ông vua Táo định phúc đức cho gia đình. Phúc đức này do sự ăn ở phải đạo hay trái đạo của gia chủ và người nhà.

Táo quân thường được tôn là Đệ nhất gia chi chủ nghĩa là vị chủ thứ nhất tại một nhà. Chính vì vậy mà mỗi khi muốn cúng lễ đều phải cúng Táo quân trước và xin phép ngày để những vị được cúng lễ có thể tới phối hưởng.

Hai bên bài vị trên bao giờ cũng có một đôi câu đối, thường là đôi câu đối sau đây:

Hữu đức năng ty hỏa

Vô tư khả đạt thiên

Nghĩa là:

Có đức trông coi việc lửa

Vô tư có thể lên trời

Sự thu gọn bài vị trong bốn chữ Định phúc Táo quân rất đúng, vì Táo quân gồm cả ba vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ.

1.3. Mũ Thổ Công

Mũ Thổ Công có thể là một cỗ ba chiếc, một đàn bà và hai đàn ông, hoặc có thể chỉ là một chiếc đàn ông.

Mũ đàn ông có hai cánh chuồn vút lên, còn mũ đàn bà không có hai cánh chuồn đó

Khi người ta thờ một cỗ mũ ba chiếc là người ta thờ đủ mũ dành cho cả ba vị thần, còn trong trường hợp thờ một mũ, đó là mũ Thổ Công, cổ mũ hoặc chiếc mũ đặt trên chiếc bệ bằng giấy. Mỗi chiếc mũ có kèm theo chiếc áo và một đôi hia dính vào bệ giấy. Dưới mỗi chiếc mũ thường kê một vài trăm vàng thoi.

Mũ, áo và hia Thổ Công mỗi năm một màu, màu này ăn theo với ngũ hành: Mỗi năm có một hành riêng, và mỗi hành lại một màu khác.

Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Năm nào hành Kim như năm Quý Mão thì mũ màu vàng.

Năm nào hành Mộc thì mũ màu trắng.

Năm nào hành thủy thì mũ màu xanh

Năm nào hành Hỏa thì mũ màu đỏ

Năm nào hành Thổ thì mũ màu đen

Cũng như bài vị Thổ Công, hàng năm mũ cũng được đem hỏa thiên vào ngày Tết Táo quân và được thay thế bằng một cỗ mũ khác, cỗ mũ này cũng để thờ cho đến 23 tháng chạp năm sau. Đọc thêm Tết Ông Công Ông Táo Và Ý Nghĩa Việc Thả Cá Chép

1.4. Sự tích Táo Quân

Đã nói tới sự thờ cúng Thổ Công, thì cũng nên nói sơ qua về sự tích Thổ Công. Tục tin rằng ngày 23 tháng chạp Thổ công lên chầu trời, tâu bày mọi việc xấu tốt của trần gian. Thổ Công là Thần Đất và cũng là Thần Bếp núc.

Người Trung Hoa lập bàn thờ Táo quân sát đất và khi cúng vái thì rót rượu đổ xuống sàn. Hàng ngày vào lúc chiêu mộ, họ đều thắp hương cúng Thổ Công.

Theo người Việt Nam sự tích Táo Quân khác hẳn. Táo quân nghĩa đen là Vua bếp.  Vua Bếp có ba ngôi, gồm ba vị thần linh như đã trình bày ở trên.

Sự tích Vua bếp như sau:

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu không có con, buồn phiền thường cãi cọ nhau, rồi đến một hôm Trọng Cao giận quá đánh vợ.

Bị chồng đánh, bực mình Thị Nhi bỏ nhà ra đi; gặp một chàng trai là Phạm Lang. Phạm Lang đem lời khéo léo quyến rũ nên được cùng Thị Nhi ăn ở thành vợ chồng.

Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ đã bỏ đi mất, liền đi lùng kiếm khắp nơi để xin lỗi, nhưng tìm mãi không thấy vợ, bỏ cả công ăn việc làm, đi khắp chốn này qua chốn khác. Hết tiền, Trọng Cao phải hành khất lần hồi.

Một ngày Trọng Cao vào một nhà kia ăn xin. Bà chủ nhà mang cơm ra cho, Trọng Cao nhìn chính là Thị Nhi, và Thị Nhi cũng nhận ra chồng cũ của mình. Đôi bên tỏ hết nỗi niềm cùng nhau. Thị Nhi cũng hối hận đã trót lấy Phạm Lang.

Đôi bên cùng nhau hàn huyên một chập, nhưng chợt Thị Nhi nghĩ nếu bất thần Phạm Lang trở về bắt gặp thì thật là khó ăn khó nói. Nàng liền bảo người chồng cũ hãy tạm ra ẩn ở đống rơm ngoài vườn để nàng lo liệu sao cho mọi việc được vẹn toàn.

Hôm đó khi Phạm Lang về bỗng nhớ đến ngày mai không có tro bỏ ruộng, bèn châm lửa đốt đống rơm để hôm sau lấy tro.

Trọng Cao lúc ấy vì ban ngày đi nhiều mỏi mệt đã ngủ say trong đống rơm, và ở trong nhà Thị Nhi cũng đã ngon giấc. Trọng Cao bị đốt chết, lửa đống rơm bốc cháy phùng phùng.

Thị Nhi ở trong nhà chạy ra, biết Trọng Cao đã bị đốt chết, thương quá cũng nhảy vào chết trong đống rơm đang cháy.

Phạm Lang thấy vợ chết, thương xót, nhảy vào đống rơm theo vợ và cũng chết cháy. Thế là cả hai ông một bà đều bị chết thiêu. Cũng có sách chép hơi khác ở đoạn cuối:

Sau khi Thị Nhi đã lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một người hành khất vào ăn xin. Thị Nhi trông thấy là chồng cũ của mình, động lòng thương đem tiền gạo ra cho, bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đốt mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Phạm Lang thương vợ cũng nhảy vào đống lửa nốt. Thế là cả ba người cùng chết cháy. Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo quân nhưng mỗi người giữ mỗi việc:

Phạm Lang là Thổ Công trông nom việc trong bếp.

Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà.

Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.

1.5. Cúng Thổ Công

Người Việt Nam ta cúng Thổ Công khác người Trung Quốc, và tục thờ Thổ Công của ta như trên đã nêu ra, cũng khác người Trung Quốc. 

Ta cúng Thổ Công vào những ngày giỗ, tết, sóc vọng. Lễ cúng tùy theo gia chủ, có thể cúng chay, có thể cúng mặn. Thường thì trong những ngày sóc vọng tức là ngày mồng một và ngày rằm âm Lịch, người ta hay cúng chay, đồ lễ chỉ gồm có giấy vàng, giấy bạc, trầu, nước hoa quả.

Tuy nhiên cũng có nhà cúng mặn, trước cúng sau ăn cốt tỏ lòng thành. Cúng mặn phải có rượu, và đồ lễ, ngoài các thứ kể trên có thể có thêm xôi, gà, hoặc chân giò, hay có khi là cả một mâm cỗ.

Trong những ngày giỗ tết, trong nhà có làm cỗ, cúng Thổ Công cũng dùng cỗ mặn. Ngoài ra trong mọi trường hợp làm lễ cáo gia tiên đều có cúng Thổ Công và người ta cũng khấn cầu sự phù hộ của Thổ Công như cầu khấn gia tiên vậy.

Tiếng gọi là cúng Thổ Công, nhưng khi cúng phải khấn đủ ba vị thần linh ghi trong bài vị, tức là:

Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.

Thổ địa Long mạch tôn thần.

Ngũ Phương ngũ thổ Phúc đức chính thần

1.6. Tết Ông Công

Lễ cúng Thổ Công quan trọng nhất trong năm là tết ông Công vào ngày 23 tháng chạp âm lịch. Xem thêm Văn Khấn Ông Công Ông Táo 23 tháng chạp và Sắm lễ tại Thienmenh.NET

Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày Tết ông Công, Thổ Công lên chầu Thượng đế để báo cáo về những việc tai nghe mắt thấy ở trần gian.

Thổ Công có nhiệm vụ thiêng liêng ghi chép tất cả mọi việc tốt xấu xảy ra trong gia đình một cách khách quan.

Ngày 23 tháng chạp sau khi cúng ông Công, người ta hóa vàng, đồng thời hóa cả cỗ mũ năm trước, gồm có mũ, áo, hia và vàng. Người ta lại mua tặng ông Công một con cá chép, con cá này là ngựa ông Công cưỡi, được phóng sinh ra sông hoặc ra ao sau lễ cúng. Con cá sẽ hóa rồng đưa ông Công lên chầu Trời.

Ngày xưa người Trung Hoa thường có tục hối lộ ông Công bằng cách khi hóa vàng đốt thêm gói kẹo để ông lên Trời tâu toàn những lời dịu ngọt, che bớt tội lỗi đi cho.

1.7. Văn Khấn Thổ Công

Dưới đây là một mẫu văn khấn Thổ Công, văn khấn này chỉ cần thay đổi một vài chữ tùy theo ngày tháng là dùng được quanh năm.

Duy Dại Việt Quý Mão niên, chính nguyệt, sơ thập ngũ nhập.

Kim thần tín chủ Cao Văn Mễ toàn gia cư trú tại Tân Sơn Nhì xã, Tân Bình quận, Gia Định tỉnh, khế thủ, đốn thủ bách bái.

Cẩn dĩ phù lưu thanh chước, Kim ngần, hương đăng, hoa quả, mâm bàn cụ vật, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu.

Cung thỉnh

Bản gia Thổ Công Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân vị tiền.

Bản địa Thổ địa thần kỳ vị tiền,

Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần vị tiền.

Lai lâm chứng giám

Ủng hộ gia chủ tự lão chí ấu bình an hạnh phúc vô bệnh vô tật.

Thượng hưởng.

Lược dịch:

Nước Đại Việt, năm Quý Mão, tháng Giêng ngày rằm.

Tín chủ là Cao Văn Mễ, toàn gia cư trú lại xã Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, trăm bái.

Kính cẩn dâng lên rượu nước, bạc vàng đèn hương, hoa quả, cỗ bàn phẩm vật cùng mọi đồ lễ.

Cùng mời:

Bản gia Thổ công tại vị ở trước

Thổ địa tại vị ở trước

Thổ kỳ tại vị ở trước

Giáng lâm chứng giám.

Cầu xin phù hộ gia chủ từ già đến trẻ hạnh phúc bình an, không bệnh không tật.

Thượng hưởng.

2. Một số vị thần tại gia quan trọng 

2.1. Thần Tài

Thần Tài là vị thần mang tài lộc lại cho gia đình nên ta tin thờ cúng vái. Mỗi khi làm ăn việc gì gia chủ thường cầu khẩn Thần Tài.

Người Trung Hoa khi thiết lập bàn thờ Thần Tài thường mời thầy cúng tới cúng lễ để Thần Tài được linh thiêng.

2.1.1. Vị trí và cách sắp xếp đặt bàn thờ Thần Tài

Bàn thờ Thần Tài không được thiết lập trên cao và ở một nơi quang đãng trong nhà như các bàn thờ Tổ Tiên, Thổ Công hoặc Thánh Sư...

Bàn thờ Thần Tài thường được thiết lập ở những nơi xó xỉnh góc nhà hoặc hàng hiện, bàn thờ cũng không cần to tát và thường chỉ là một chiếc khám nhỏ sơn son thiếp vàng, hoặc có khi chỉ là một thùng gỗ có dán giấy đỏ.

Mé trong khám dán bài vị của Thần Tài, viết trên giấy cũng màu đỏ. Chữ viết thường bàng kim nhũ: 

NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ LONG THẦN

TIỀN HẬU ĐỊA CHỦ TÀI THẦN

Hai bên bài vị cũng có đôi câu đối:

THỔ NĂNG SINH BẠCH NGỌC

ĐỊA KHẢ XUẤT HOÀNG KIM

Nghĩa là:

Đất hay sinh ngọc trắng

Đất khá có vàng dòng

Đôi câu đối này có thể thay đổi, nhưng bao giờ cũng có một đôi. Trước bài vị là một bát hương có hai cây đèn nhỏ đủ thắp mà không bốc cháy lên khám. Trong khám gia chủ thường thu xếp để có chỗ đặt mấy ly đựng nước, đựng rượu. Cũng có một mâm bồng để bày hoa quả phẩm vật khi cúng lễ.

Có nhà khắc khéo trên mặt khám mấy chữ đại tự là ở hai bên có đôi câu đối đại ý xưng tụng sự giúp đỡ của Thần Tài và sự cầu mong của gia chủ.

Như trên đã nói, những nhà không sung túc, chiếc khám được thay bởi một chiếc thùng, nhất là thùng sữa cũ, có dán giấy đỏ hết từ trong đến ngoài.

2.1.2. Sự tích Thần Tài

Sở dĩ người ta thờ Thần Tài ở xó xỉnh là do điển tích sau đây. Theo sự tích này, Thần Tài là một nữ thần chứ không phải như các báo hằng vẽ một nam thân với râu ria mỗi khi nói tới Thần Tài gõ cửa một nhà nào trong các trang quảng cáo chúng ta thường thấy.

Điển kể lại rằng:

Ngày xưa có một người lái buôn tên là Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, Âu Minh đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm đã giàu to. Về sau nhân một hôm ngày Tết, Âu Minh đánh Như Nguyệt. Sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó nhà Âu Minh sa sút dần, chẳng mấy lúc nghèo kiết.

Người ta bảo Như Nguyệt là Thần Tài và người ta lập bàn thờ để thờ Như Nguyệt. Từ đó, ngày Tết ta có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm sợ hót mất Thần Tài ẩn trong đống rác đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt tiến tới được suốt quanh năm.

2.1.3. Cúng Thần Tài

Nếu người ta chỉ cúng Táo quân trong những ngày sóc vọng, trong những dịp giỗ tết, trái lại người Việt Nam cúng Thần Tài quanh năm.

Trong những ngày sóc vọng giỗ Tết, lễ cúng Thần Tài cũng như cúng Táo Quân trong những dịp đó, nghĩa là có khi cúng mặn và có khi là cả một mâm cỗ. Trong những ngày thường, lễ cúng Thần Tài rất đơn giản, chỉ có trầu nước và đôi khi có một đĩa trái cây.

Mỗi buổi chiều, lúc chuông chiêu mộ, bàn thờ Thần Tài được thắp hương lên, có khi gia chủ khấn vái, có khi chi khân thủ trước bàn thờ.

Chỉ trong những ngày sóc vọng, giỗ Tết, sự khấn vái của gia chủ mới cần thiết.

Văn khấn Thần Tài cũng như ván khấn Thổ Công chỉ thay đổi chỗ cung thỉnh...

... Tài thần vị tiền...

Những người làm ăn buôn bán rất tin tưởng ở Thần Tài. Mỗi dịp xuất vốn, người ta đều cầu xin làm lễ Thần Tài.

2.2. Tiên Sư, Thánh Sư hay Nghệ Sư

Thánh sư, Tiên sư hay Nghệ sư tức là ông Tổ một nghề, người ta truyền dạy nghề đó cho đời sau.

Các vị Thánh sư rất được người ta tôn trọng tại nhiều nơi, những người cùng làm một nghề, cùng buôn một thứ hợp nhau thành Phường, có miếu thờ Thánh sư riêng, và đến ngày giỗ của Thánh sư gọi là giỗ Phường, người ta cúng giỗ vị Thánh sư tại miếu này và mọi người trong Phường cùng tới lễ.

Lẽ tất nhiên là các phường viên đã phải cùng nhau góp tiền để cúng giỗ Phường. Những phường to thường có tài sản riêng, ruộng vườn để lấy hoa lợi dùng trong việc thờ tự Thánh sư.

Giỗ Phường có khi được làm rất to và có tổ chức trò vui như một ngày hội: đánh cờ, leo đu, múa rối, hát chèo v.v...

2.2.1. Vị trí và cách sắp xếp bàn thờ Thánh Sư 

Bàn thờ Tổ tiên thiết lập giữa nhà, một bên là bàn thờ Thổ Công còn bên kia là bàn thờ Thánh sư.

Bàn thờ cũng được thiết lập trên một hương án kê sát vào tường hậu gian nhà. Trong cùng chính giữa hương án là một chiếc bệ trên có kê bài vị của Thánh sư gồm tên họ, nghề nghiệp sáng tạo của Thánh sư. Bài vị này có khi được thay bằng một bức chân dung của vị Thánh sư, bức chân dung vẫn được các phường thuê vẽ sẵn bán cho các phường viên. Có nhà thờ cả một pho tượng của Thánh sư thay cho bài vị hoặc bức chân dung.

Trước bài vị là một chiếc bàn nhỏ có kê đài rượu có nắp đậy, giống như bên bàn thờ Táo quân. Rồi trước bàn nhỏ cũng là bình hương hoặc một đỉnh trầm với hai bên có đèn nến, ống hương mâm bỏng v.v...

Bàn thờ Thánh sư phần nhiều cũng giản dị như bàn thờ Thổ Công. Cần nhất bao giờ cũng phải có bài vị, bức chân dung hay pho tượng của vị Thánh sư. Ngoài cùng bàn thờ Thánh sư cũng có một chiếc y môn.  Cũng có gia đình, người ta lập ban riêng để thờ Thánh sư, ở ngoài cửa ban có treo một chiếc mành mành nhật nguyệt vẽ long phụng chầu hai bên.

Thánh sư đã được thờ tại miếu của phường nhưng người Việt Nam bao giờ cũng biết nhớ ơn những người có công với mình, nên ngoài bàn thờ Thánh sư ở miếu là bàn thờ chung cho Phường, mỗi phường viên đều thờ Thánh sư tại nhà riêng.

2.2.2. Thờ Thánh Sư

Hàng tháng gặp những ngày sóc vọng, tuần tiết, giỗ tết theo lịch vạn niên, trong khi cúng gia tiên và Thổ Công, gia chủ cũng cúng Thánh sư với đồ lễ tương tự như đồ lễ cúng Thổ Công.

Trong một năm, lễ cúng Thánh sư quan trọng nhất nhằm vào ngày kỵ nhật của Thánh sư. Ngày nay, tại các phường có cúng giỗ, nhưng tại các tư gia người ta cũng vẫn cúng riêng để tỏ lòng nhớ tới ngày qua đời của ông tổ nghề mình.

Văn khấn Thánh sư cũng như văn khấn Thổ Công chỉ thay đổi chỗ cung thỉnh Thổ Côngcung thỉnh Thánh sư, theo như bài vị của từng nghề, mỗi nghề một vị Thánh sư khác, và các vị Thánh trước đây cũng chỉ là những người thường, nhưng vì đã dạy nghề cho dân chúng nên được tôn thờ.

Thí dụ:

Ba anh em các ông Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền người làng Định Công phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông đã truyền cho dân nghề kim hoàn từ đời Lý Nam Đế.

Ông Phạm Đôn, người làng Thanh Nhàn, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên mang nghề dệt chiếu từ làng Ngọc Hồ, tỉnh Quảng Tây bên Tàu về truyền cho dân Việt Nam, bắt đầu là làng Hải Thiện tỉnh Nam Định vào cuối thế kỷ thứ X.

Hòa thượng Khổng Lộ cùng hai học trò là Phạm Quốc Tại và Trần Lạc trụ trì chùa Phả Lại, Hải Dương dạy dân ta nghề đúc đồ đồng về đời vua Trần Thái Tôn 1226.

Ông Trạng Bùng tức Phùng Khắc Khoan dạy dân ta nghề dệt the lụa vào đời vua Lê Kính Tông (1600).

Trên đây chỉ nêu danh hiệu mấy vị Thánh sư để làm thí dụ. Mỗi nghề đều có một thánh sư riêng.

Những người hành nghề, mỗi khi gặp việc trắc trở, đều làm lễ kêu khấn Thánh sư để được phù hộ cho gặp sự may mắn. Trong ngôn ngữ ta có danh từ Tổ độ hay Tổ trát để chỉ những người gặp may mắn được Tổ sư thương phù hộ cho hoặc những người không may bị thua lỗ bởi sự trừng phạt của Tổ. 

2.3. Tiền Chủ

Tiền chủ là người ở trước tên một ngôi nhà, rồi sau chết ở ngôi nhà này. Ngôi nhà qua thời gian, theo mọi sự biến chuyển từ gia chủ nọ tới gia chủ kia. Ai có tiền thì tậu nhà không có tiền lại bán. Ở dương thì vậy, nhưng tại cõi âm, người tiền chủ vẫn nhớ ngôi nhà của mình, vẫn thỉnh thoảng đi lại thăm nom, coi những chủ sau không phải đích là chủ ngôi nhà.

Gia chủ không muốn bị vong hồn người tiền chủ quấy rối, lập bàn thờ tiền chủ.

2.3.1. Vị trí bàn thờ Tiền Chủ 

Bàn thờ Tiền Chủ thường là một cây hương xây ở ngoài sân. Cây hương gồm một cột trụ cao hơn đầu người, mé trên xây rộng ra thành một bàn thờ, trông giống như một chiếc ỷ hoặc chiếc ngai, có thành ở đằng sau và hai bên. Trên bàn thờ này có đặt một bình hương. Không có bài vị, vì không ai biết tên tiền chủ là gì. Khi cúng chỉ cần khấn bản gia tiền chủ là đủ.

Có nhiều người đi xem bói gieo quẻ nói cho biết họ tên tiền chủ khi cúng có khấn thêm, nhưng bao giờ cũng khấn rõ là tiền chù ngôi nhà. Có những thầy bói liều lĩnh, đã nói mò tên tiền chủ lại còn nói bậy cả ngày chết của tiền chủ để khách hàng của mình hàng năm làm giỗ một người tên vu vơ vào một ngày không chắc chắn. Đây chẳng qua là sự quá tin nhảm nên những thầy bói liều lĩnh nhảm nhí mới có đất đứng. Người ta cúng tiền chủ vào những rằm, mồng một, giỗ Tết, đồ lễ cũng giống như đồ lễ cúng Thổ Công

Đôi khi trong nhà có điều gì lục đục, người ta cũng cúng khấn tiền chủ để cầu sự bình yên.

2.4. Các vị thần khác 

Ngoài các vị thần kể trên được dân chúng lập bàn thờ cúng lễ tại nhà, gia đình Việt Nam còn thờ nhiều vị thần khác nữa:

2.4.1. Đức Thánh Quan

Đây là Quan Vân Trường đời Tam Quốc, một người theo sử sách lúc sinh thời rất trung thực và lúc chết đã hiển thánh. Trên bàn thờ có tượng hoặc bức tranh của ngài. Bức tranh thường vẽ người ngồi giữa, bên phải là Quan Bình, con nuôi ngài, và bên trái là Châu Xương gia tướng trung thành của ngài.

Đằng trước bức tranh là bát hương với các đài để trầu rượu, chiếc mâm bồng để các đồ lễ khi cúng, và lại có đèn nến và có cả ống hương.

2.4.2. Thần Hổ

Thần hổ là vị chúa tể của loài hổ. Thường người ta thờ thần Bạch Hổ, hoặc thần Ngũ Hổ, tức là năm thần Hổ năm sắc. Bàn thờ thường thiết lập ở một chiếc ban xây ở ngoài sân, hay chiếc miếu xây ở ngoài vườn đối với những gia đình ở gần chân núi.

Cúng Thần Hổ cũng cúng vào những ngày sóc vọng, hoặc trong nhà có công việc gì cáo với gia tiên. Cúng Thần Hổ ngoài trầu rượu phải cúng mặn, phải dùng thịt sống hay trứng sống làm đồ lễ.

2.4.3. Sơn Thần

Những gia đình ở vùng núi non, có bàn thờ Sơn Thần, tức là thờ Vị thần núi. Đành rằng núi nào cũng có miếu thờ Sơn Thần, nhưng để tiện việc cúng lễ, và cũng mong được Sơn Thần ngự tại nhà. Bàn thờ Sơn Thần được thiết lập tại một chiếc bàn riêng, thường xây ở vườn về phía chân núi. Bàn thờ không có bài vị, chỉ có bình hương và các đồ thờ khác.

Những chiếc ban được xây nên, thường mé trên thờ Sơn Thần và mé dưới thờ Thần Hổ.

2.4.4. Mộc Tinh

Đây là tinh của những cây lớn mọc ở những vườn rộng nhất là những cây cổ thụ. Nhiều gia đình, sau khi tậu được một dinh cơ, nhà ngói, cây mít, vườn rộng, và trong vườn lại có vài cây thuộc loại cổ thụ, dọn đến ở gặp phải một vài việc không tốt đẹp, như trong nhà có người đau ốm, của cải mất mát, cho là tại những cây cổ thụ có thần, và vị thần vì chủ nhân chưa biết tới mình nên ra uy để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Gia chủ phải lập miếu thờ ở gốc cây.

Tục còn tin rằng, những cây to xanh tốt thường có hỗn ma về trú ngụ, muốn được yên cần phải có cúng lễ.

Việc này kể ra thật huyền hoặc nhưng vẫn được nhiều người tin, việc tin này không có hại gì tới cuộc sống hàng ngày của mọi người, và có nhiều người tuy biết đây chỉ lá sự mê tín, nhưng cũng không ngăn cản người trong nhà, cho rằng việc quỷ thần là việc thiêng liêng, có không, không có khôn lường không muốn vì sự ngăn cản của mình mà phải nhận lấy trách nhiệm siêu hình đối với gia đình.

KẾT LUẬN:

Các vị thần tại gia, được mọi người thờ cúng và tin tưởng nếu kể ra cũng còn rất nhiều. Các vị này có thể thay đổi tùy địa phương, như Sơn Thần được thay bằng Hà Bá hoặc Long Thần đối với những vùng ven sông, còn sự tôn kính thì ở đâu cũng vậy. 

Dân chúng Việt Nam thờ Thần Thánh để mong sự che chở của các ngài, nhưng phấn lớn cùng vì sự tôn kính mà ra.

 

Tử vi phương đông

Tin về Phong tục tập quán

10 Dấu Hiệu Của Trí Tuệ Cảm Xúc

Phong tục tập quán - 8 tháng trước
Trí tuệ cảm xúc bắt đầu với cái được gọi là nhận thức cá nhân và xã hội, khả năng nhận biết cảm xúc và tác động của chúng.

Giải Mã Giấc Mơ: Mơ Thấy Răng Rụng Có Ý Nghĩa Gì?

Phong tục tập quán - 9 tháng trước
Giấc mơ có nhiều cách giải thích khác nhau tùy theo bối cảnh mà những đồ vật hoặc tình huống đó được mơ.

3 Quy Tắc Và 5 Mẹo Kiểm Soát Tính Bốc Đồng

Phong tục tập quán - 9 tháng trước
Khi bạn khám phá ra các chiến lược để bỏ qua các triệu chứng bốc đồng và hậu quả là mất kiểm soát cảm xúc, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều về m

Số Nợ Nghiệp Chướng Và Ý Nghĩa Của Chúng

Phong tục tập quán - 10 tháng trước
Khi ai đó được sinh ra, họ mang theo năng lượng số tùy thuộc vào ngày sinh và tên mà họ nhận được.

Mẹo Để Giữ Bình Tĩnh Trong Những Tình Huống Căng Thẳng Theo Cung Hoàng Đạo

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Thông qua Chiêm tinh, bạn có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm tính cách của từng cung và thông qua chúng, hiểu rõ hơn cách bạn đối phó với căng thẳng và nh

Ý Tưởng Giúp Bạn Kiên Cường Trong Thời Kỳ Khủng Hoảng

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Nếu bạn có một mục tiêu tối cao ở phía trước, bạn sẽ không đạt được nó bằng cách chạy theo nó. Bạn phải tiến bộ dần dần, đặt ra những mục tiêu ngắn hạ

5 Cách Xây Dựng Khả Năng Phục Hồi Cảm Xúc Của Bạn

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Sự tăng trưởng và phát triển cá nhân diễn ra mạnh mẽ hơn khi mọi người bước ra khỏi vùng an toàn của họ.

6 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Đang Lãng Phí Cuộc Đời Mình

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Nếu bạn không sống đích thực, có lẽ bạn đang phải đối mặt với một số nỗi sợ hãi và trở ngại khiến bạn không thể tiến lên phía trước.

7 Đặc Điểm Của Người Tự Nhận Thức - Tích Cực

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Những người tự nhận thức có khả năng điều chỉnh cách tiếp cận và phong cách của họ cho phù hợp với các tình huống khác nhau

7 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Đang Yêu Nhầm Người

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Bài viết này có vẻ hơi buồn, nhưng nó sẽ làm sáng tỏ những điều mà mọi người chỉ khám phá ra khi họ trải qua những tình huống khó khăn trong tình yêu.