12 Nghi Lễ Đám Cưới Truyền Thống Của Người Việt

Phong tục tập quán

Vì quan niệm cưới hỏi là một trong ba việc lớn của đời người nên tập tục cưới xin cũng được tổ chức khá rình rang, tốn kém

Đối với người Việt, lễ cưới là một trong bốn nghi lễ quan trọng (4 nghi lễ đó là: Quan, Hôn, Tang, Tế) và được xã hội quan tâm nhiều hơn cả. Cùng Thienmenh.NET tìm hiểu những nghi thức truyền thống trong đám cưới của người Việt nhé.

1. Quan niệm về hôn nhân của người Việt

Người xưa quan niệm mục đích hôn nhân cốt duy trì truyền thống của gia đình cho nên việc hôn nhân là việc chung của gia tộc chứ không phải việc riêng của con cái. Bởi vậy định vợ gả chồng cho con là quyền quyết định của cha mẹ. Nghĩa vụ của mỗi người đối với tổ tiên, dòng họ là phải truyền giống về sau để "vĩnh truyền tông tộc", do đó luân lý cho người "vô hậu" là phạm điều bất hiếu rất lớn. Việc hôn nhân không những chỉ có nguyên nhân huyết thống mà còn có nguyên nhân kinh tế. Người vợ không những phải sinh con đẻ cái nối dõi tông đường mà còn phải làm lụng và coi sóc việc nhà cho gia đình nhà chồng.

Thời phong kiến, theo luân lý "tam cương ngũ thường", con cái mà còn cha mẹ khi nào cũng ở địa vị phụ thuộc, việc hôn nhân của con cái cha mẹ có quyền độc đoán và "đặt đâu ngồi đấy". Nếu con cái không bằng lòng với người vợ (hay chồng) mà cha mẹ chỉ định thì chỉ có cách bỏ nhà ra đi. Chính sự không cần biết ái tình của con cái, chỉ cốt tìm được nơi "môn đăng hộ đối" là cha mẹ nhờ "mối lái" điều đình để đính hôn nên đã xảy ra tệ tảo hôn và tục phúc hôn.

Chế độ "đa thê, đa thiếp" cho phép đàn ông được phép có nhiều vợ mà không phải vì vợ lớn không sinh con hay chỉ sinh con gái. Nạp thiếp (còn gọi là vợ lẽ, vợ hai, vợ ba, nàng hầu...) không cần tổ chức lễ cưới và vì người thiếp không phải là một phần tử trọng yếu trong gia đình nên chồng hay vợ lớn muốn đuổi khi nào cũng được.

Việc cưới xin thời xưa thường được tiến hành với rất nhiều nghi lễ. Vì quan niệm cưới hỏi là một trong ba việc lớn của đời người nên tập tục cưới xin cũng được tổ chức khá rình rang, tốn kém, phải tuân thủ theo nhiêu lễ giáo phong kiến rất khắt khe. Ngày nay, nhiều đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới, giúp cho đôi vợ chồng trẻ và hai họ không phải vất vả, không tốn kém tiền bạc mà còn đem lại niềm vui, hạnh phúc thật sự cho vợ chồng mới. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bỏ qua những tập tục truyền thống đã theo ông cha từ xưa, bởi những nghi lễ này là một phần văn hóa truyền thống của người Việt. Với mỗi một địa phương, một gia đình, đều có thể áp dụng toàn bộ hay chỉ vài nghi lễ cơ bản và cảm thấy phù hợp với điều kiện, văn hóa khu vực. Mời các bạn tham khảo 12 nghi lễ truyền thống trong đám cưới Việt dưới đây để hiểu rõ tập tục của cha ông ta.

2. Nghi lễ đám cưới truyền thống của người Việt

2.1. Tục kén dâu, kén rể

Như đã trình bày ở trên, thời xưa, nam nữ không có quyền tự quyết định hôn nhân của mình, đặc biệt là con cái những gia đình danh gia vọng tộc. Họ luôn phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ - "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Theo quan niệm về hôn nhân của người Việt Nam xưa thì đó là việc "hai họ" dựng vợ gả chồng cho con cái. Việc hôn nhân tuy là của hai người nhưng kỳ thực lại là việc xác lập quan hệ giữa hai gia tộc. Vì vậy, đó không phải là việc lựa chọn một cá nhân cụ thể mà là lựa chọn một dòng họ, một gia đình xem có "môn đăng hộ đối" không.

Với quan niệm đó thì hai nhà phải có sự tương đương nhau về vị trí xã hội, về đời sống, về kinh tế. Người ta không quan tâm đến tình cảm của đôi trai gái chỉ miễn sao hai họ ngồi cùng nhau cho xứng chỗ là được. Nhiều cặp vợ chồng đến ngày cưới mới được gặp mặt nhau. Sau đó, nếu hai vợ chồng chung sống không hòa hợp thì đành phải chịu đựng.

Để kén con dâu, các cụ thường dựa vào tiêu chuẩn "tam tòng, tứ đức". Trong đó, "tam tòng" quy định ba điều mà phụ nữ phải theo là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nghĩa là: ở nhà thì phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Luật “tam tòng” đòi hỏi người phụ nữ phải ý thức được vai trò phụ thuộc của mình, phải biết chịu đựng, tuân theo mọi sự quyết định của đàn ông. 

Còn "tứ đức" gồm Công, dung, ngôn, hạnh. Công là khéo léo, đảm đang, biết lo toan các công việc trong gia đình của người con gái. Họ phải biết chăm lo cho gia đình từ bữa ăn hàng ngày đến mâm cỗ ngày giỗ, ngày Tết. Ngoài ra, họ còn phải biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, may vá cho bản thân và gia đình. Dung là nhan sắc. Thời xưa, các cụ quan niệm "cái răng, cái tóc là góc con người". Hàm răng đều, nhuộm đen như hạt na. Mái tóc dài, vấn đuôi gà. Còn quần áo thường may bằng vải lụa hoặc tơ tằm cùng với những chiếc thắt lưng hoa lý. Con nhà khá giả có ống vôi, bình sáp, khuyên tai và xà tích bằng vàng. Tất cả cộng với chiếc nón quai thao tạo nên một vẻ đẹp hoàn hảo. Ngôn là lời nói - Người con gái nói năng phải biết giữ lễ, khúc triết, điềm đạm. Phải cứng rắn nhưng thật mềm mại, lễ độ nhưng không nhu nhược. Hạnh là đức tính tốt đẹp. Người phụ nữ phải hiền dịu biết đường ăn ở, biết cách cư xử đúng mực lễ phép với hai bên bố' mẹ, anh chị em, hàng xóm láng giềng. Ngoài những tiêu chuẩn trên còn một tiêu chuẩn không thể thiếu là khoẻ mạnh, không bệnh tật. Với các cụ thì khoẻ mạnh tức là có khả năng sinh đẻ nhiều, đem lại cho nhà chồng con đàn cháu đống. Khoẻ mạnh còn là để gánh vác công việc nhà chồng để chồng có thể yên tâm lo việc lớn.

Ngày xưa, tuổi kết hôn chưa được quy định. Những nhà giàu có thường lo cưới vợ cho con trai rất sớm để có cháu nối dõi tông đường hoặc là để có người làm. Có những cuộc hôn nhân mà vợ hơn chồng hàng chục tuổi, cô gái mười lăm, mười sáu tuổi phải về làm vợ thằng bé lên năm, lên sáu. Sau khi được gả bán xong, các cô gái đó chỉ có thể than vãn:

Mẹ em tham gạo tham gà

Đem em gả bán cho nhà cao sang

Chồng em thì thấp một gang

Vắt mũi chưa sạch ra đường đánh nhau

Nghĩ mình càng tức càng đau

Trách cha trách mẹ tham giàu tham sang.

Nguyên nhân của những chuyện ép gả trên, hầu hết là do tham giàu sang mà cha mẹ đã ép duyên con cái. Từ cảnh hôn nhân ép uổng ấy, cuộc đời người phụ nữ chỉ toàn những đắng cay tủi nhục:

Thân em mười sáu tuổi đầu

Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người

Nói ra sợ chị em cười

Ba năm chuyện thảm, chín mười chuyện cay

Tôi về đã mấy năm nay

Buồn riêng thì có, vui vầy thì không

Ngày thì vất vả ngoài đồng

Tối về thì lại nằm không một mình

Có đêm thức suốt năm canh

Rau heo cháo chó loanh quanh đủ trò.

Sự tủi nhục đắng cay của người con gái là nỗi niềm duyên không đẹp, phận không ưa. Thế nhưng, các ông bố bà mẹ đâu quan tâm gì đến nỗi khổ của con cái, họ chỉ tìm cách để đặt con vào chốn sang giàu, lắm tiền nhiều của:

Trách cha trách mẹ rằng nhầm

Đem con mà đẩy xuống đầm sao đang

Cha ơi cha khéo vội vàng

Cha nghĩ rằng vàng cha ép duyên con.

Đôi khi họ bất chấp những tiêu chuẩn kể trên, bất chấp tuổi tác chỉ vì tham giàu hay cốt để thỏa mãn nhục dục, để bòn công sức lao động.

Trên đây là những tiêu chuẩn kén dâu, còn khi kén rể các cụ trọng nhất là người tài trí. Có thể chàng trai là con nhà nghèo nhưng có học vấn thì sẽ không thiếu điều kiện để vươn lên. Chính vì vậy, nhiều gia đình đại quý tộc sẵn sàng gả con gái cho những chàng trai đó.

2.2. Tục mai mối

Khi muốn tìm vợ cho con trai, gia đình nhà trai nhờ ông mai hay một bà mối sang nhà cô gái để ngỏ ý thăm dò trước.

Ông mai, bà mối phải là những người có tuổi, tính tình vui vẻ, hoạt bát, được láng giềng kính nể, và quan trọng hơn là đã có gia đình, sinh con đẻ cái nhiều, có nếp có tẻ, trong nhà hoà thuận.

Bên nhà trai ghi tên họ và tuổi của người con trai rồi nhờ bà mối sang trao cho nhà gái, nếu nhà gái bằng lòng thì cũng cho biết tuổi, ngày sinh... của con gái mình. Người mai mối là người có công rất lớn trong việc chắp mối lương duyên cho đôi trai gái nên vợ nên chồng. Nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng chỉ qua môi giới của ông mai, bà mối, mãi đến lễ vu quy họ mới thực sự biết mặt nhau.

Sau khi biết được tuổi của đôi nam nữ, nếu họ hợp tuổi nhau thì hai họ quyết định tiến hành lễ cưới, nếu tuổi xung khắc thì thôi. Người ta tin rằng, tuổi tác quyết định hạnh phúc gia đình, đường con cái, có khi là cả tính mệnh của hai vợ chồng. Vì thế, việc tính tuổi tác trước khi kết hôn là một việc quan trọng không thể bỏ qua. Xem thêm Tử vi trọn đời tại Thienmenh.NET

2.3. Nộp cheo

Trước khi, trai gái muốn lấy nhau, nhà trai phải nộp một số lễ vật cho nhà gái gọi là nộp cheo. Thời xưa, cheo là số tiền công ích nhỏ, hoặc năm bảy chục, một trăm viên gạch, đóng góp cho làng để làng làm giếng, xây đường... Đây là lễ buộc phải có, không có cheo đám cưới không thành. "Có cưới mà chẳng có cheo, nhân duyên trắc trở như kèo không đanh". Trai gái trong làng lấy nhau, nộp cheo ít hơn. Trai ngoài làng lấy gái trong xã nộp cheo nhiều hơn.

Lệ nộp cheo bắt nguồn từ tục "lan nhai" tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng. Trước kia, khi có đám cưới, người trong làng tổ chức đón mừng hôn lễ. Họ chăng một dải lụa đỏ ngang đường, có nơi còn đốt pháo để chúc mừng cô dâu chú rể. Để đáp lễ, đoàn đưa dâu mời họ ăn trầu cau, tặng quà tiền. Dần dần, những người cơ hội đã lợi dụng tục lệ này để vòi tiền, sách nhiễu. Để thay thế tục lệ đó, triều đình cho phép làng xã được phép thu tiền cheo. Khi đã nộp cheo cho làng, tức là đám cưới đã được công nhận, có giấy biên nhận của làng. Xưa, giấy biên nhận đó được coi như một tờ hôn thú.

2.4. Dạm ngõ hay xem mặt

Đây là lễ cho người con trai và người con gái được công khai gặp mặt và tìm hiểu nhau. Trong lễ này, người ta chỉ đem một chùm cau và vài lạng chè đến nhà cô gái. Trong quá trình trò chuyện, nhà gái thường cho cô gái bưng cơi trầu, nước mời khách để tạo cơ hội cho chàng trai và cô gái gặp nhau nên lễ này còn được gọi là lễ xem mặt.

Dạm ngõ chỉ là bước đầu của hôn nhân. Sau khi đã nhận lễ dạm ngõ, nếu có bất kỳ thay đổi nào thì việc hôn nhân cũng có thể thay đổi.

2.5. Lễ ăn hỏi

Sau lễ chạm ngõ là lễ ăn hỏi. Nhà gái có con gả chồng, theo truyền thống là phải có miếng trầu báo tin cho họ hàng, làng xóm, nội ngoại biết. Do đó nhà trai phải sắm sửa lễ vật để kính biếu mỗi nhà một lễ, có thể gồm: cau tươi, bánh mứt, thiệp báo hỷ, trầu, chè, thuốc.

Lễ vật được bày vào quả sơn son thếp vàng, hay mâm đồng đánh bóng nhẵn. Người nhà chú rể mang lễ vật tới nhà gái. Gia trưởng nhà gái cho đặt lễ lên bàn thắp đèn hương và cáo tổ tiên (4 lạy rồi quỳ khấn bài khấn ngày lễ ăn hỏi, khấn xong, thêm 4 lạy một vái). Chàng trai và cô gái cùng vào lạy.

Nhà gái lưu lại một phần lễ để nhà trai mang về gọi là “lại quả”

Văn khấn ngày lễ ăn hỏi:

Ngày ... tháng ... năm ... chúng con là ... cùng vợ ... nhận con gái (cháu) ...đã nhận lời gả cho ... làm vợ. Nay nhà trai đã dẫn lễ ăn hỏi, lại dâng lên bàn thờ, cúi xin tiên tổ, ông bà chứng giám, thấu tấm lòng thành, phù hộ cho đôi lứa vợ chồng sau này duyên may phận đẹp, bách niên giai lão.

Cẩn cáo.

2.6. Báo hỉ

Sau khi lễ Gia tiên xong, người ta chia buồng cau, mứt sen, chè thành nhiều phần nhỏ: mỗi phần một lá trầu, một quả cau, mười hạt mứt sen, một dúm chè. Tất cả được gói vào một túi giấy màu hồng rồi đem biếu họ hàng, làng xóm để bà con biết nhà mình có con gái sắp đi ở riêng.

Hai gia đình bắt đầu mời khách. Nhà nghèo thì mời miệng, nhà giàu thì đưa thiếp mời. Thiếp là một tờ giấy đỏ, có ghi chữ hỷ (vui mừng). Có hai loại thiếp: một loại chỉ báo tin vui, không mời tới dự cưới, còn một loại là thiếp mời tới dự cưới. Ngày nay, thiếp báo hỷ rất ít thấy, chỉ có những người ở quá xa nhau mới dùng loại thiếp này.

2.7. Gửi rể

Sau đám hỏi, vài ngày cô dâu phải qua nhà trai đáp lễ bằng cách mời trầu cau, quà bánh cho bà con hàng xóm để họ biết sắp tới mình sẽ về làm dâu gia đình này. Còn chú rể phải thường xuyên đi lại thăm hỏi gia đình nhà cô gái khi có người ốm đau, giúp công giúp sức khi nhà có việc... giống như nghĩa vụ của một người con trong gia đình. Vào những ngày giỗ, Tết, cơm mới hoặc ngày mà gia đình nhà gái có việc hệ trọng như ma chay, cưới xin... chàng trai đều phải đến và mang theo lễ vật. Ngày giỗ thì lá trầu, quả cau, chai rượu. Ngày Tết thì mười cân đường gói mỗi cân vào một bao màu vàng buộc lạt đỏ, bày lên mâm đồng mang sang nhà gái. Tết Đoan Ngọ tức ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, lễ thường là một cặp ngỗng đặt trên mâm đồng, cổ buộc lụa đỏ. Khi đội đến đầu ngõ nhà cô dâu, nhà trai ý tứ cấu con ngỗng kêu quang quác báo tin khách quý đến. Vào mùa cơm mới, tức ngày 25 tháng 10 nhà trai thường biếu nhà gái cặp gà, thúng gạo hoặc đôi cá trắm, cá chép thật to.

Thông thường, chàng trai phải qua lại gia đình nhà gái như vậy hai ba năm. Đó là thời gian thử thách trước khi trở thành thành viên chính thức của gia đình. Bố vợ kén rể khỏe để giúp sức cho gia đình, cô gái theo dõi tính nết của chàng trai từ dáng người, lời ăn tiếng nói xem có đúng khuôn phép không. Nếu chàng trai có điều gì đó về cô gái thì lặng lẽ bỏ cuộc, không qua lại nữa. Nếu cô gái chê chàng trai thì nhờ bà mối có lời với nhà trai xin "trả của". Cũng có khi vì chàng trai quá nghèo, nhà gái nuôi cho ăn học bốn, năm năm. Nếu thi đỗ thì bố vợ được tiếng thơm là nuôi con rể nên người, làm nên danh giá cho gia đình, làm mát mặt cô gái, mang lại vinh dự nhiều bề. Thông thường thì người đi ở rể không thật thoải mái vì luôn giữ ý tứ, phải cố gắng để vừa lòng bố mẹ vợ và cô gái. Chàng trai phải sẵn sàng làm việc không tiếc sức, lại phải khiêm tốn, vui vẻ, thậm chí phải bỏ qua nhiều chuyện ngang tai trái mắt.

Thời gian gửi rể quá dài, gây nhiều phiền hà trong các mối quan hệ xã hội. Vì thế, người ta đã cải tiến, sau khi nhà gái nhận lễ thì hai gia đình chọn ngày cưới.

2.8. Lễ dẫn cưới (thách cưới)

Lễ này còn gọi là lễ nạp tài, xin cưới. Nhà trai phải nộp một số lễ vật gọi là “thách cưới’'.

Lễ thách cưới thường có 4 khoản:

- Yêu cầu sắm sửa nữ trang y phục cho cô dâu.

- Yêu cầu dẫn một số tiền mặt để lo liệu lễ nghi.

- Yêu cầu đặt một số bàn tiệc tại nhà trai để đón nhà gái đưa dâu.

- Ngoài ra còn một số lễ vật dâng lên tổ tiên.

2. 9. Rước dâu

Sau khi nhà trai đến, chàng rể được mời đến trước bàn thờ lễ 4 lạy, một vái và được dẫn ra chào quan viên hai họ nhà gái. Người ta dẫn cả cô dâu và chú rể đến trước mặt cha mẹ vợ lạy hai lạy và chào cô bác để cho cô gái về nhà chồng. Bố mẹ vợ thường dặn dò con cái phải ăn ở có đức, có lễ.

Thứ tự đám rước dâu: đi đầu là một cụ già đạo mạo, có danh vọng, vợ chồng song toàn, đông con cháu có đủ nam nữ. Cụ mặc áo thụng xanh cầm nắm hương đốt cháy, trịnh trọng đi trước tiếp đến là các vị thân thích nhà trai và nhà gái. Tiếp đến là chú rể và phù rể, sau đó là cô dâu và phù dâu.

Khi đám rước dâu về đến nhà trai, nhà trai sẽ đốt pháo đón mừng (ngày nay người ta không còn đốt pháo nữa). Khi cô dâu sắp vào phòng cưới, người tốt vía đã được chọn trước sẽ bước vào trải chiếu ra giường để cô dâu là người đầu tiên được ngồi lên đó.

  1. Lễ tế tơ hồng

Sau khi quan viên hai họ đã an tọa, cô dâu được dẫn đến trước bàn thờ làm lễ tế tơ (lễ lạy 4 lạy, một vái) và bái kiến cha mẹ họ hàng nhà chồng.

      b. Nghi lễ tế tơ hồng

Lễ bày một chiếc bàn trên phủ khăn hồng, giữa đặt bát hương, hai bên là cặp nến đỏ. Lễ vật thường có một con gà trống luộc, một đĩa xôi gấc màu đỏ, một be rượu hồng cùng với hoa đỏ và hương. Ngoài ra còn có một cơi trầu đã têm sẵn.

Người hộ lễ vào dâng hương, rót rượu rồi khum tay đưa lên ngang trán, xướng:

- Tân lang tửu vị (chú rể đứng bên trái)

- Tân nương tửu vị (cô dâu đứng bên phải)

- Thượng hương (chấp sự lấy hương đưa chú rể đốt và cắm lên bát nhang).

- Tiến tửu (chấp sự lấy rượu rót ra chén để chú rể dâng lên bàn thờ)

- Nghinh thần cúc cung bái (rê và dâu cùng xá 5 xá)

- Đọc chúc (chấp sự hay hộ lễ mang bản chúc văn đặt sẵn trên bàn thờ, dâng lên ngang trán và đọc).

     c. Chúc Văn

Niên hiệu .... năm, tháng, ngày, tỉnh ... họ nhà trai là X tên Y kết hôn cùng họ nhà gái...

Nay hôn sự đã thành, kính bày vật phẩm dâng lên.

Tơ hồng nguyệt lão thiên tiên.

Chí công, chí chính chẳng lệch chẳng thiên.

Gương ngọc sáng soi hay việc thế. Chỉ hồng xe chặt kết nhân duyên.

Sớm vừa chạm cá vuốt nanh, vui phận vầy duyên kén chọn vâng theo phụ mệnh.

Nay uyên ương đã gắn bó, đẹp đôi xứng lứa cũng bởi Hoàng Thiên.

Bằng phẳng cầu Ô đã bắc.

Thuận hoà đạo cả vừa nên.

Kính xin đại đức .

Cúi chứng lòng hiền.

Khang cát phù trợ cho hai họ.

Xướng tuỳ toại nguyện bách niên.

Sinh gái, sinh trai, sớm ứng điềm lành tốt đẹp.

Vui nhà vui cửa trăm năm cảnh phúc lâu bền.

May mắn xây nền đạo cả.

Tài bởi nhờ đức thiên trên

Cẩn cáo.

     d. Hộ lễ xướng

- Hợp cẩn giao bôi (chấp sự lấy rượu rót ra chén rồi san ra làm hai, đưa cho chú rể và cô dâu uống làm phép)

- Phần chúc văn, tạ lễ ngũ bái (chấp sự đem chúc và đi đốt. Rể dâu cùng xá 5 xá).

- Lễ tất (xong lễ).

2.10. Lễ nhập phòng

Lê Gia tiên xong, cô dâu, chú rể chào bố mẹ chồng và họ hàng bên nội, rồi theo ông cầm hương vào buồng riêng (tức buồng cưới). Trong buồng cưới, chiếu gấp để ở đầu giường, ông cầm hương trải chiếu ra giường thật vuông vắn, phẳng phiu, không để xô lệch. Sau đó, người nhà bưng cỗ đặt lên giường. Ông cầm hương rót rượu ra một cái chén, sẻ vào hai chén, đưa cô dâu và chú rể, nói lời chúc mừng cô dâu chú rể hạnh phúc rồi lui ra ngoài khép cửa buồng lại một cách ý tứ.

Đây là bữa cơm đầu tiên vợ chồng ngồi chung một mâm. Tục lệ không quy định nghi thức ăn uống nên ăn uống thế nào là do vợ chồng tự sắp. Ăn cơm xong có thể rửa bát ngay nhưng cũng có thể để đến hôm sau mà không bị bố mẹ trách mắng.

2.11. Làm cơm mời bố mẹ chồng

Nếu là dâu trưởng thì sau đêm động phòng hoa chúc, nàng dâu phải làm một mâm cơm dành riêng mời bố mẹ chồng thể hiện rằng mình đã bắt đầu công việc cơm nước trong nhà và phụng dưỡng bố mẹ chồng.

Nàng dâu cần sắp một mâm cơm tươm tất, tinh khiết mà không cần phải là của ngon vật lạ, điều quan trọng hơn là "cơm dẻo, canh ngọt".

Sau khi đã chuẩn bị xong, nàng dâu mời bố mẹ ra xơi cơm, đứng trước mặt bố mẹ lạy hai lạy rồi hầu rượu, hầu cơm chu đáo. Chỉ khi mẹ chồng hoặc bố chồng miễn lễ mới lạy tạ rồi đi ra.

Bố mẹ chồng có thể nhận biết được phần nào "công", "hạnh" của con dâu mới qua bữa cơm đầu tiên này.

2.12. Lễ lại mặt

Sau ngày cưới là ngày lễ "lại mặt”. Cô dâu và chú rể trở lại gặp mặt bố mẹ vợ. Lễ này tự nhà trai sửa biện: có xôi gà, rượu bánh, hoa quả... đặt lên bàn thờ tổ tiên, sau khi đèn nhang, chủ nhân vào lạy 4 lạy, rồi quỳ khấn, đại khái:

Hôm nay ngày ...hôn lễ đã xong, dâu rể về thăm nhà, gọi là lòng thành kính dâng lễ vật lên bàn thờ.

Cúi mong tiên tổ chứng giám.

Cẩn cáo.

Khấn xong, tạ lễ 4 lạy, 1 vái, cô dâu chú rể cũng vào lễ 4 lạy và 1 vái (hay 4 xá).

Khi hạ lễ, bố mẹ vợ thường bày cơm rượu mời vợ' chồng trẻ cùng họ hàng, thân quyến trong gia đình ăn uống vui vẻ.

Trình tự tiến đến lễ cưới của người Việt Nam, có thể có những cách thức, tên gọi khác nhau tùy theo mỗi địa phương, vùng miền. Hy vọng bài viết cung cấp thêm một số thông tin bổ ích về thủ tục cưới hỏi ở Việt Nam.

Tử vi phương đông

Tin về Phong tục tập quán

10 Dấu Hiệu Của Trí Tuệ Cảm Xúc

Phong tục tập quán - 8 tháng trước
Trí tuệ cảm xúc bắt đầu với cái được gọi là nhận thức cá nhân và xã hội, khả năng nhận biết cảm xúc và tác động của chúng.

Giải Mã Giấc Mơ: Mơ Thấy Răng Rụng Có Ý Nghĩa Gì?

Phong tục tập quán - 9 tháng trước
Giấc mơ có nhiều cách giải thích khác nhau tùy theo bối cảnh mà những đồ vật hoặc tình huống đó được mơ.

3 Quy Tắc Và 5 Mẹo Kiểm Soát Tính Bốc Đồng

Phong tục tập quán - 9 tháng trước
Khi bạn khám phá ra các chiến lược để bỏ qua các triệu chứng bốc đồng và hậu quả là mất kiểm soát cảm xúc, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều về m

Số Nợ Nghiệp Chướng Và Ý Nghĩa Của Chúng

Phong tục tập quán - 10 tháng trước
Khi ai đó được sinh ra, họ mang theo năng lượng số tùy thuộc vào ngày sinh và tên mà họ nhận được.

Mẹo Để Giữ Bình Tĩnh Trong Những Tình Huống Căng Thẳng Theo Cung Hoàng Đạo

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Thông qua Chiêm tinh, bạn có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm tính cách của từng cung và thông qua chúng, hiểu rõ hơn cách bạn đối phó với căng thẳng và nh

Ý Tưởng Giúp Bạn Kiên Cường Trong Thời Kỳ Khủng Hoảng

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Nếu bạn có một mục tiêu tối cao ở phía trước, bạn sẽ không đạt được nó bằng cách chạy theo nó. Bạn phải tiến bộ dần dần, đặt ra những mục tiêu ngắn hạ

5 Cách Xây Dựng Khả Năng Phục Hồi Cảm Xúc Của Bạn

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Sự tăng trưởng và phát triển cá nhân diễn ra mạnh mẽ hơn khi mọi người bước ra khỏi vùng an toàn của họ.

6 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Đang Lãng Phí Cuộc Đời Mình

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Nếu bạn không sống đích thực, có lẽ bạn đang phải đối mặt với một số nỗi sợ hãi và trở ngại khiến bạn không thể tiến lên phía trước.

7 Đặc Điểm Của Người Tự Nhận Thức - Tích Cực

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Những người tự nhận thức có khả năng điều chỉnh cách tiếp cận và phong cách của họ cho phù hợp với các tình huống khác nhau

7 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Đang Yêu Nhầm Người

Phong tục tập quán - 1 năm trước
Bài viết này có vẻ hơi buồn, nhưng nó sẽ làm sáng tỏ những điều mà mọi người chỉ khám phá ra khi họ trải qua những tình huống khó khăn trong tình yêu.