Đèn cù là một trong những món đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam mỗi dịp rằm tháng tám.
Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết thiếu nhi), còn được gọi là Tết trông Trăng, Tết đoàn viên hay Tết hoa đăng.
Trong ký ức của nhiều người, nhất là thế hệ 7x, 8x, vào mỗi mùa Trung thu, trẻ em khắp các phố phường lại kéo những chiếc đèn cù vừa chạy, cười đùa ríu rít... "Ngày xưa đồ chơi chỉ có đèn ông sao và đèn cù. Mình vẫn nhớ bạn nào có đèn cù là xịn lắm, vì nó có thể đẩy và xoay được…” - đó là một trong những chia sẻ của một cựu thiếu nhi thế hệ 8X nhân ngày Trung Thu đang tới gần.
Đèn cù là một trong những món đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam mỗi dịp rằm tháng tám. Sở dĩ đèn có tên như vậy vì khi di chuyển, nó có thể quay như cái cù (con quay - một loại đồ chơi ngày xưa).
Đèn Cù còn có những tên gọi khác như Đèn Ông Sư vì chao đèn trông giống hình dạng chiếc mũ của các vị hòa thượng.
Theo các nghệ nhân làm đèn Cù, để cho ra một sản phẩm hoàn hảo, mọi công đoạn đều phải được thực hiện bằng tay, để đảm bảo sản phẩm giữ được cái hồn trong đó. Cần khá nhiều công đoạn để làm một chiếc đèn cù như chẻ nứa, tiện bánh xe, uốn và trang trí chao đèn. Chao đèn có 6 cánh, được dán giấy bóng kính màu, thường là 2 màu vàng, 2 màu đỏ, 1 màu xanh và 1 màu tím.
Việc dán giấy cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Lượng hồ phải vừa đủ, phết với lực nhẹ và dùng tay kéo căng, sau đó miết tay nhẹ ở các góc thì đèn mới đẹp. Sau khi hồ đã khô khoảng 5 phút, đèn được vẽ sơn trang trí, với 2 họa tiết chính là hoa đồng tiền và bó lúa, tượng trưng cho văn hóa Việt Nam.
Cuối cùng, nghệ nhân cài then ngang qua chao đèn, buộc lõi dây thép và cắm đế đèn vào một bánh xe gỗ bên dưới. Đây cũng là công đoạn khó nhất bởi nếu cắm không chuẩn, khi sử dụng đèn sẽ bị tuột. Đèn cù có thể quay được nhờ bánh xe một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất.
Cán đèn được làm từ cây đay khô dài khoảng 1m, được vót thẳng rồi dán giấy màu xung quanh. Với người có kinh nghiệm, một chiếc đèn sẽ được hoàn thành trong khoảng 20 phút.
Khi chơi, trẻ em thường cắm nến vào giữa chao đèn, cầm cán đẩy đèn trên mặt đất. Ánh sáng chiếu qua giấy bóng kính khi đèn xoay tròn sẽ tạo ra hiệu ứng lấp lánh trên mặt đất.
Giữa vô vàn chiếc lồng đèn hoa mỹ, đủ hình dáng, màu sắc, thì trong ký ức của nhiều người, đèn Cù vẫn là một đặc sản không thể thay thế vào mỗi dịp Trung Thu.
Xem thêm Tết Trung Thu Và Một Số Hoạt Động Phổ Biến Ở Việt Nam
Mâm cỗ Trung Thu cơ bản nhất từ xưa tới nay, thường sẽ có trái bưởi, hoa quả, bánh kẹo, tùy vào điều kiện cũng như phong tục vùng miền mà loại quả sẽ được thay thế, cân đối để tạo nên một mâm cỗ mang đủ hương vị quê hương.
Dù là vùng miền nào, thì món bánh không thể thiếu trên mâm cỗ Trung Thu chính là những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay.
Với trẻ con ở quê, thường sẽ gom những hạt bưởi đã bóc vỏ và xiên vào dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu.
Hẳn mỗi dịp Trung Thu, chúng ta đều tìm kiếm, mua sẵn một vài hộp bánh nướng hoặc bánh dẻo, mang đủ hương vị, đủ nhân từ vị thập cẩm tới trứng muối, khoai môn, trà xanh, đậu xanh… Có thể rất ít người trẻ biết tới hương vị món bánh Trung Thu truyền thống được làm như nào và hương vị ra sao. Hãy cùng tham khảo thêm một số thông tin dưới đây cùng Thienmenh.NET nhé.
Chi tiết Văn Khấn Tết Trung Thu ngày Rằm Tháng 8
Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.
Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt (thường các nhà làm bánh sau tết trung thu nấu nước đường, cất kỹ để tới tận mùa sau mới dùng). Trước kia tại Việt Nam nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xưởng.
Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng. Quy trình nướng chia làm hai giai đoạn trong đó khoảng 2/3 thời gian nướng là giai đoạn đầu tiên. Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp 1/3 thời gian còn lại.
Bánh trung thu là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, chúng ta hay gặp rắc rối vì bánh trung thu bị hỏng, bị mốc khi ở nhà còn chưa kịp ăn hết. Lại cũng chẳng biết bánh trung thu có thể để được bao lâu để có thể canh thời gian mua bánh thích hợp cho cả nhà.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, thông thường bánh trung thu được sản xuất bởi các thương hiệu thường sẽ có chứa một lượng nhỏ chất bảo quản với hàm lượng cho phép. Bởi vậy mà loại bánh này có thời gian sử dụng lâu hơn, thông thường là 3 tháng.
Còn bánh trung thu tự làm có thể để được tối đa trong vòng 7 ngày, tùy theo loại bánh. Hạn sử dụng của bánh dẻo tự làm là 4 ngày kể từ ngày đóng bao, còn bánh nướng thì là 1 tuần. Vì bánh trung thu có độ ngọt cao, có chất béo, sau đó nướng nên có thể chống ẩm hơn.
Bạn nên nhớ bảo quản bánh ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Dùng ngay sau khi mở hộp/ vỏ bánh.
Bánh đã khui, không dùng hết phải bỏ vào túi hoặc hộp kín và cho vào ngăn mát.
Nếu không có tủ lạnh, chỉ có thể để tối đa 1 tuần trong điều kiện chưa mở hộp.
Ngưng sử dụng ngay khi bánh có dấu hiệu bị mốc, có mùi, hương vị khác lạ.
Giờ thì chuẩn bị ngay cho mình và gia đình một mâm cỗ Trung Thu để chuẩn bị trông trăng thôi. Chúc bạn và gia đình có một dịp Tết Đoàn Viên ấm cúng, an nhiên!